Vì sao Ông Johnathan Hạnh Nguyễn chọn đầu tư giáo dục?

23 - 10 - 2019

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, là một doanh nhân Việt kiều, đã trở về và gắn bó làm ăn trên quê hương từ hơn 30 năm trước.

Nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay, Thanh Niên có cuộc trò chuyện cùng “người đi mở đường bay” về những tâm huyết và cống hiến vì sự nghiệp chung, không chỉ cho hiện tại mà còn vì tương lai bền vững phát triển của đất nước…

Không ở đâu bằng ở quê hương mình

Nhiều người biết đến ông là Việt kiều trở về quê hương đầu tư kinh doanh, đóng góp ý nghĩa cho đất nước từ những ngày đầu đổi mới. Sau hơn 30 làm ăn trên quê hương mình, ông có chia sẻ gì khi gắn bó đầu tư lâu dài ở Việt Nam?

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn: Được đi và sinh sống tại nhiều nơi trên khắp thế giới, chúng tôi mới thấm thía một điều, không ở đâu bằng ở quê hương, tổ quốc mình. Dù ở đâu, làm gì thì chúng tôi cũng luôn mong muốn cùng đóng góp xây dựng quê hương mình giàu đẹp hơn.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn

Với thế mạnh của mình, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) vẫn luôn kiên trì với định hướng đầu tư vào các dự án kinh doanh phân phối, bán lẻ, đầu tư trong lĩnh vực hàng không và phi hàng không tại các sân bay khắp cả nước. Trung bình hằng năm, IPPG thực hiện nộp ngân sách nhà nước trên 1.900 tỉ đồng và tạo công ăn việc làm cho hơn 25.000 lao động trong nước. Bên cạnh mục tiêu phát triển bền vững trong kinh doanh, IPPG còn tích cực tham gia và vận động các công ty, thương hiệu lớn cùng tham gia các chương trình thiện nguyện tại Việt Nam như Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Quỹ học bổng Vừ A Dính, Câu lạc bộ Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu...

Thương mại điện tử hàng hiệu

Hẳn ông có nhiều bí quyết thành công khi kinh doanh ở Việt Nam? Ông có từng đối mặt khó khăn, và nếu có thì cách ông vượt qua nó như thế nào?

Việt Nam là thị trường đang phát triển đầy tiềm năng với dân số gần 100 triệu người và giá trị thị trường bán lẻ tương đương 160 tỉ USD. Đây là thuận lợi to lớn cho doanh nghiệp tại Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều thách thức trong kinh doanh và có những thách thức mà tất cả các nhà bán lẻ - như IPPG - cần cẩn trọng như lạm phát, những biến đổi khó lường của nền kinh tế thế giới, nhân lực, vị trí đắc địa khó tìm trong kinh doanh, hàng giả, thị trường xách tay và hàng lậu…

Nhưng với hơn 30 năm kinh nghiệm phát triển thị trường bán lẻ hàng hiệu tại Việt Nam, chúng tôi tự tin rằng chúng tôi đã xây dựng một nền tảng vững chắc cho IPPG về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. Và hiện nay các thương hiệu đã tự chủ động tìm đến IPPG để tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Việt Nam và lắng nghe định hướng đúng đắn của một tập đoàn giàu kinh nghiệm và uy tín như IPPG.

Chúng tôi đánh giá công nghệ là một phần quan trọng trong việc nắm bắt xu hướng hiện tại, tối ưu và minh bạch hóa kinh doanh. Vì vậy, IPPG đã đầu tư hàng triệu USD cho hệ thống công nghệ thông tin và cơ sở hạ tầng, hệ thống kế toán phân tích dữ liệu và bán lẻ thông minh. Với thuận lợi là nhà phân phối độc quyền hơn 100 thương hiệu nên định hướng phát triển tiếp theo của công ty sẽ là kinh doanh thương mại điện tử, việc ra mắt sàn thương mại điện tử chuyên kinh doanh hàng hiệu chính hãng sẽ giúp chúng tôi phát triển hơn về mảng bán lẻ trong 10 năm tới.

Bí quyết cho những thành công

Là một doanh nhân từng đi nhiều nước, hợp tác làm ăn với nhiều đối tác toàn cầu, ông có thể chia sẻ cảm nhận về bí quyết thành công của quốc gia họ, và Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm gì?

Với hơn 30 năm trải nghiệm hợp tác đầu tư với các đối tác thương hiệu hàng đầu thế giới, chúng tôi đã rút ra rất nhiều kinh nghiệm quý giá cho bản thân, và đã đưa vào thực tế áp dụng trong mô hình xây dựng và quản lý nội bộ của Tập đoàn IPPG. Nhân cơ hội này, cũng xin được chia sẻ một vài “quy tắc” cơ bản để tham khảo:

- Tạo dựng thương hiệu: không ngừng tìm tòi, nghiên cứu và khảo sát thị trường, sự thay đổi kinh tế trong nước và thế giới, biết rõ năng lực bản thân, luôn nỗ lực cố gắng, không tin vào vận may, rèn luyện cái nhìn trực quan, luôn sẵn sàng thực hiện các chiến lược kinh doanh khác nhau;

- Gắn lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích cộng đồng;

- Xác lập hệ giá trị “Văn hóa doanh nghiệp” bao gồm các chuẩn mực: luôn tuân thủ pháp luật, trung thực, minh bạch, quý trọng khách hàng;

- Tôn trọng tự do sáng tạo, chú trọng hiệu quả thực tế, khuyến khích phấn đấu cá nhân, tuân thủ kỷ luật, tính đồng đội và sẵn sàng hợp tác;

- Nhờ hệ thống giá trị này, văn hóa doanh nghiệp ngày càng được nâng cao, hướng dẫn cách cư xử đúng mực cho các thành viên công ty bao hàm cả nghĩa vụ và bổn phận đối với doanh nghiệp nói riêng và với xã hội nói chung;

- Kết hợp giữa công nghệ, kỹ thuật hiện đại với bản sắc dân tộc, bản sắc doanh nghiệp trong việc xây dựng cách thức quản lý doanh nghiệp và quảng bá thương hiệu.

Tháng 9.2019, hòa chung niềm vui cùng hàng chục triệu học sinh trên cả nước, hàng ngàn học sinh Trường tiểu học, THCS, THPT Ngô Thời Nhiệm (Q.9, TP.HCM) đã tưng bừng đón chào ngày khai trường. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch IPPG kiêm Phó chủ nhiệm CLB “Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu” được mời đến tham dự lễ khai giảng năm học mới

Tạo “vốn” cho tương lai phát triển

Vì sao ông quyết định đầu tư vào đội ngũ nhân tài? Việc đầu tư vào đội ngũ nhân tài, kỳ vọng hướng đến là gì?

Phát triển ngành đào tạo CEO và phát triển đội ngũ nhân tài, đầu tư cho giáo dục được coi là định hướng đầu tư có “lãi” lớn nhất cho tương lai của mỗi dân tộc, cộng đồng, gia đình và mỗi cá nhân với giá trị vô hình mà chúng ta khó có thể “cân đo đong đếm”. Rộng ra đối với một đất nước, việc đào tạo thu hút và giữ chân đội ngũ nhân tài trở thành một yêu cầu cho chính sự tồn tại và phát triển của đất nước đó.

Trong thời đại ngày nay, khoa học, kỹ thuật, kinh tế, thị trường đã phát triển như vũ bão, việc đào tạo đội ngũ nhân tài không chỉ là yêu cầu trước mắt mà chính là yếu tố quyết định đến sự phát triển và rút ngắn khoảng cách giữa nước ta với phần còn lại của thế giới.

Với suy nghĩ này, IPPG hy vọng có thể đóng góp một phần cho công cuộc phát triển kinh tế - giáo dục của nước nhà, giúp chắp cánh cho các nhân tài phục vụ cho sự phát triển kinh tế đất nước sau này.

Bà Lê Hồng Thủy Tiên, Tổng giám đốc IPPG ký cam kết tài trợ cho Quỹ phát triển ĐH Quốc gia TP.HCM 10 triệu USD

Tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Quỹ phát triển ĐH Quốc gia TP.HCM vào tháng 7.2019, IPPG đã tài trợ cho Quỹ phát triển ĐH Quốc gia TP.HCM 10 triệu USD. Ông nghĩ gì khi đóng góp số tiền lớn đó?

Với chúng tôi, đầu tư cho giáo dục là “vô giá”. Tri thức con người không phải tự nhiên mà có; trái lại, phải thông qua giáo dục, đào tạo, rèn giũa bản thân mới có được. Chức năng của giáo dục và đào tạo là biến những giá trị văn hóa của xã hội thành tài sản của mỗi cá nhân và của cả cộng đồng. Từ những tài sản riêng đó, mỗi người lại góp phần nhân lên những tài sản văn hóa của xã hội, nâng cao trình độ trí tuệ cho cả cộng đồng.

Chính vì thế mà có thể nói rằng, giáo dục và đào tạo là khuôn đúc con người, là nguyên nhân trực tiếp quyết định chất lượng nguồn lực con người, là nguyên nhân sâu xa làm gia tăng hàm lượng chất xám trong cơ cấu giá trị sản phẩm của lao động. Nâng cao dân trí, bồi dưỡng và phát triển nguồn lực con người là yêu cầu khách quan của sự phát triển kinh tế - xã hội.

 

 

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn trao 10 triệu USD tài trợ cho Quỹ phát triển ĐH Quốc gia TP.HCM triển khai nhiều chương trình học bổng nhằm khuyến khích các cá nhân tích cực trong học tập và hoạt động xã hội

IPPG hy vọng có thể đóng góp một phần nhỏ cho công cuộc phát triển kinh tế - giáo dục của nước nhà, giúp chắp cánh cho các nhân tài phục vụ cho đất nước sau này. Việc hợp tác này được kỳ vọng sẽ đào tạo ra những nhà quản lý kinh tế, các CEO người Việt đầy tài năng trong tương lai, phù hợp với sự phát triển thực tiễn của nền kinh tế Việt Nam, thúc đẩy phát triển ứng dụng nghiên cứu khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI) vào thực tiễn, tạo ra một hệ sinh thái về kinh tế - công nghệ, góp phần đưa Việt Nam ngày một vươn lên trên bản đồ công nghệ và kinh tế trên thế giới.

Xin cám ơn ông!

Từ năm 1985, khi đất nước còn bị cấm vận, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã “lội ngược dòng” về giúp cho ngành hàng không mở đường bay đến Philippines, tổ chức vận động từ thiện nhân đạo, xúc tiến đầu tư, mở đường kiều hối... Với những đóng góp tích cực, năm 2015 “người mở đường bay” Johnathan Hạnh Nguyễn vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng nhất.

Vào năm 2015, Chủ tịch nước cũng quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba cho IPPG và cá nhân bà Tổng giám đốc Lê Hồng Thủy Tiên. Hai con trai ông Johnathan Hạnh Nguyễn là Phillip và Louis, với tư cách là thành viên trong ban lãnh đạo tập đoàn cũng nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì những thành tích nổi bật trong kinh doanh và đóng góp cho các hoạt động xã hội hướng về cộng đồng.


Nguồn: Báo Thanh Niên