Chủ tịch IPPG chia sẻ những điều làm nên thành công khi khởi nghiệp

17 - 06 - 2017

Sáng ngày 17/6/2017, Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn – Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương – IPPG đã có buổi Giao lưu với sinh viên Đại học Quốc gia TP. HCM về Khởi nghiệp Kinh doanh được tổ chức tại Trường Đại học Kinh tế - Luật TP. HCM.

Tới tham dự có các thành viên Ban Quản Trị của trường Đại học Quốc Gia, Ban Giám Hiệu cùng hơn 500 bạn sinh viên đến từ các Trường Đại học thành viên thuộc Đại học Quốc gia TP. HCM.

Những chặng đường Khởi nghiệp của Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn.

Mở đầu buổi giao lưu, Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn đã chia sẻ về những chặng đường Khởi nghiệp thành công của ông. Lần đầu tiên ông khởi nghiệp khi còn đang là học lớp 12 và ý tưởng Khởi nghiệp đến với ông cũng rất tình cờ. Ông chia sẻ: “Trong một lần chơi đá banh với bạn bè, vô tình trái banh bay vào trại đóng quân của binh sĩ Nam Triều Tiên (Đại Hàn). Tôi chạy xe máy tới cổng gác để xin lại trái banh thì bị lính chặn lại. Sau khi tôi trình bày lý do, người sĩ quan lại ngỏ ý muốn mua chiếc xe máy của tôi, nhưng tôi không đồng ý bán vì đây là chiếc xe do bố tôi tặng. Tuy nhiên, ngay lúc đó trong đầu tôi đã lóe lên một ý tưởng là tại sao mình lại không đi mua xe tại cửa hàng rồi về bán lại cho ông sĩ quan này để kiếm lời (vì khi đó binh lính Đại Hàn không được phép ra phố để mua sắm). Tôi liền chạy thẳng ra cửa hàng bán xe hỏi giá. Ngày đó, giá một chiếc xe HONDA DD 70 là 34 nghìn đồng, tôi về báo cho ông sĩ quan là 36 nghìn đồng và ông ta đồng ý mua, thế là tôi lãi 2 nghìn đồng ngay từ lần kinh doanh đầu tiên”.

Chủ tịch IPPG – ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ những kinh nghiệm khởi nghiệp quý giá

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho rằng, đây cũng là bài học đầu tiên của ông về Khởi nghiệp không cần vốn: “Nếu bạn hỏi rằng lúc đó tôi lấy đâu ra 34 nghìn để mua xe máy tại cửa hàng để đem bán lại, thì xin thưa rằng tôi chỉ có 10 nghìn tiền đặt cọc của ông sĩ quan vì ông ấy chưa tin tưởng tôi, tôi đem tiền cọc tới cửa hàng xe máy giao cho ông chủ, yêu cầu ông ấy đem xe giao cho khách và nhận nốt số tiền còn lại. Cũng rất may cho tôi là lần đó cả ông sĩ quan Đại Hàn và ông chủ cửa hàng xe máy đều tin tưởng tôi, nhờ vậy mà lần kinh doanh đầu tiên của tôi đã thành công và tôi đã kiếm được khoản tiền lời nhiều hơn một tháng lương của một cán bộ nhà nước lúc bấy giờ. Sau lần đó cả doanh trại binh sĩ Đại Hàn trên 200 người liên tục đặt hàng vậy là tôi trở thành anh buôn xe máy từ đó”.

Lần Khởi nghiệp thứ Hai là khi ông đã tốt nhiệp Đại học ở Mỹ và được nhận vào làm Thanh tra tài chính của hãng Boeing, khi đó lương của ông đã được trên 100 nghìn USD/năm, đây là mức lương mơ ước của nhiều người. Tuy nhiên, ông lại có suy nghĩ, nếu cứ bằng lòng với công việc làm thuê cho một hãng như vậy thì mãi mãi ông cũng chỉ là một người làm thuê. Ông bàn với vợ, đem hết số tiền dành dụm được thuê một căn nhà, mua một chiếc xe tải cũ để kinh doanh cửa hàng Bách hóa. Thời gian đầu công việc kinh doanh rất khó khăn, để có hàng bán, ông phải chạy xe suốt 8 giờ đồng hồ từ nhà tới Bang California để chở hàng về bán. Sau một thời gian, nhờ nắm bắt được nhu cầu của cộng đồng người Việt, công việc kinh doanh của ông mới dần dần thuận lợi. Khi đã có tài sản là nhà cửa, máy móc, ông đem thế chấp vào ngân hàng để vay vốn tiếp tục kinh doanh.

Thời điểm này ông vẫn vừa kinh doanh và vừa làm việc cho hãng Boeing. Công việc đang thuận lợi thì đầu năm 1985 ông nhận được lời mời từ Chính phủ Việt Nam về tham gia mở đường bay. Nhận được tiếng gọi từ quê hương, ông đã từ bỏ tất cả, bỏ công việc với mức lương mà nhiều người mơ ước, bỏ việc kinh doanh đang thuận lợi tại Mỹ để về Việt Nam tham gia vào việc mở đường bay TP. HCM – Manila. Ông cho đây là một bước ngoặt rất quan trọng của cuộc đời mình và ông cũng cho đây là lần Khởi nghiệp thứ Ba của mình vì theo ông việc mở thành công đường bay đầu tiên của Việt Nam ra nước ngoài có một ý nghĩa rất lớn, rất quan trọng không chỉ với đất nước mà còn với chính bản thân ông lúc bấy giờ.

Phần giao lưu trực tiếp với sinh viên, Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn đã nhận được rất nhiều câu hỏi của các bạn sinh viên liên quan đến vấn đề Khởi nghiệp kinh doanh.

Bạn Tô Hà sinh viên năm 3 ngành Marketing Trường Đại học Kinh tế - Luật TP. HCM hỏi: Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm trong việc thuyết phục để đưa các thương hiệu nổi tiếng về kinh doanh tại Việt Nam?

Tổng giám đốc IPPG - Bà Lê Hồng Thủy Tiên đại diện trả lời câu hỏi từ các bạn sinh viên

Với câu hỏi này Bà Lê Hồng Thủy Tiên – Tổng giám đốc Tập đoàn IPPG, người có nhiều kinh nghiệm trong việc thương thuyết để đưa các thương hiệu nổi tiếng thế giới về Việt Nam chia sẻ: “Như anh Hạnh đã chia sẽ, thời gian đầu chúng tôi chỉ có một cửa hàng miễn thuế tại sân bay Tân Sơn Nhất và phải cần đến sự góp mặt của các thương hiệu lớn. Chúng tôi phải thuyết phục họ rằng Việt Nam là một đất nước mới trải qua chiến tranh và chúng tôi đang nỗ lực cùng với Chính phủ để mở cửa, bắt đầu từ ngành hàng không. Điều đó chứng tỏ rằng cơ sở vật chất của Việt Nam đang hoàn thiện từng ngày, đất nước chúng tôi đang rất cần sự có mặt của các thương hiệu nổi tiếng để chứng minh với du khách quốc tế rằng đất nước chúng tôi đang phát triển, có sự hiện diện của các thương hiệu nổi tiếng thế giới, chứ không phải là một quốc gia nghèo nàn lạc hậu. Bằng những chứng minh về tài chính và những kế hoạch kinh doanh bài bản, cuối cùng họ cũng đồng ý và về Việt Nam khảo sát thị trường, thương hiệu đầu tiên mà IPPG đưa về Việt Nam là thương hiệu rượu Hennessy. Từ đó các thương hiệu khác cũng lần lượt theo chân Hennessy bước chân vào các cửa hàng miễn thuế của IPPG”. Bà Lê Hồng Thủy Tiên cho rằng, cái khó trong việc thương thảo là vì chưa có một thương hiệu nổi tiếng nào có mặt tại Việt Nam nên họ còn e ngại. Đến khi có một thương hiệu lớn chấp nhận về thì các thương hiệu khác cảm thấy an toàn hơn, vậy là mọi cái khó đều được giải quyết. Một yêu tố cũng không kém phần quan trọng làm nên sự thành công của IPPG trong việc thuyết phục các thương hiệu nổi tiếng đến Việt Nam chính là việc Nói phải đi đôi với Làm, chính điều đó đã tạo niền tin rất lớn cho các đối tác cũng như các nhà đầu tư.

Bạn Vũ Văn Đại sinh viên ngành Quản trị Kinh doanh Trường Đại học Kinh tế Luật TP. HCM hỏi: Những tố chất để trở thành một doanh nhân thành đạt là gì và tố chất nào là quan trọng nhất?

 

Trả lời câu hỏi này, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho rằng: Để trở thành một doanh nhân thành đạt thì cần rất nhiều tố chất, ngoài những tố chất có sẵn (bẩm sinh) ra thì tố chất đầu tiên là tinh thần lao động tích cực để hoàn thành mục tiêu mình hướng tới; thứ hai là phải hiểu rõ thế mạnh và điểm yếu của chính mình để phát huy, học hỏi và khắc phục. Sự thành công của IPPG ngày nay không chỉ có doanh thu 600 triệu USD/năm, một đội ngũ 25000 lao động, các phần thưởng cao quý của Nhà nước trao tặng mà còn là trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, kinh doanh có đạo đức và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế với Nhà nước. Theo ông Hạnh Nguyễn, việc chấp hành nghiêm chỉnh nghĩa vụ thuế cũng là một tố chất quan trọng để trở thành một doanh nhân thành đạt. Trong quản lý điều hành cũng vậy, phải luôn minh bạch và trung thực với khách hành cũng như với đối tác và đối với cơ quan quản lý nhà nước.

Bạn Nguyễn Hoàng, sinh viên năm 2 ngành Thương mại Điện tử Trường Đại học Kinh tế - Luật hỏi: Biết rằng, khởi nghiệp luôn gắn với những giá trị của cộng đồng, tất cả các dự án Khởi nghiệp đều mong muốn mang đến một giá trị gì đó cho cộng đồng trước khi nghĩ tới lợi nhuận. Là một doanh nhân đã có nhiều đóng góp cho cộng đồng Khởi nghiệp. Vậy theo ông đâu là những trở ngại lớn nhất đối với những người trẻ mới bắt đầu Khởi nghiệp?

Trả lời câu hỏi này, bà Lê Hồng Thủy Tiên – TGĐ IPPG cho rằng: Với IPPG không phải lúc nào chúng tôi cũng nghĩ đến lợi nhuận, những đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội cũng là một tiêu chí phát triển của IPPG cũng như với các tập đoàn lớn khác. Nếu dự án khởi nghiệp của các bạn mang những ý tưởng đặc sắc, liên quan đến cộng đồng xã hội thì chắc chắn rằng các doanh nghiệp sẽ sẵn sàng bỏ vốn vào để đầu tư. Bà Thủy Tiên cũng khuyên rằng, khi các bạn muốn Khởi nghiệp, các bạn nên xen xét và tìm hiểu kỹ những nhu cầu xung quanh cuộc sống của mình. Bởi theo bà những dự án khởi nghiệp thành công là những dự án đã giải quyết rất tốt những bài toán khó trong cuộc sống hàng ngày.

Đồng tình với quan điểm này, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhấn mạnh: “Khởi nghiệp luôn luôn hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta, điều quan trọng là các bạn phải nắm bắt được thời cơ, khi đã có ý tưởng trong đầu, nếu có điều kiện các bạn phải bắt tay vào thực hiện ngay chứ không nên chờ đợi vì cơ hội sẽ không đến với mình lần thứ hai.”

 

Kết thúc buổi Giao lưu, Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn đã đúc kết lại bằng lời nhắn nhủ: “Dù bạn ở bất cứ phương trời nào, làm bất cứ công việc gì nhưng khi đã thành đạt thì hãy luôn hướng về quê hương, cùng chung tay, góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày một giàu đẹp hơn.”

Đinh Đại

Tin có trên các báo