Johnathan Hạnh Nguyễn – Doanh nhân Việt Kiều đầu tiên thời đổi mới, người được chọn cho “sứ mệnh đặc biệt” của Chính phủ Việt Nam
24 - 12 - 2021
Năm 1984, sau khi nhận được lời mời của đại diện Việt Nam tại LHQ, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã về Việt Nam. Một chuyến chuyên cơ riêng do Chính phủ Việt Nam sắp xếp, đón ông từ sân bay Tân Sơn Nhất ra Hà Nội gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Việt Nam đề nghị: "Cháu cố gắng giúp Việt Nam mở được đường bay với Philippines". Đó là đường bay quốc tế chính thức đầu tiên ra các nước tư bản cũng là hoạt động thương mại đầu tiên của Việt Nam với các nước nằm ngoài hệ thống XHCN trong những năm tháng bị bao vây, cấm vận.
Tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn dành cho Dân trí cuộc trò chuyện 90 phút, tiết lộ những điều ông chưa từng kể với tư cách Việt Kiều đầu tiên về nước làm ăn, cũng là người đã đóng góp để Việt Nam có được một trong số hoạt động hợp tác thương mại quốc tế đầu tiên sau năm 1975 với các nước ngoài khối XHCN. Ông nói, ông rất hạnh phúc và tự hào được đóng góp vào hành trình mở cửa của Việt Nam.
- CUỘC ĐIỆN THOẠI BẤT NGỜ VÀ CHUYẾN CHUYÊN CƠ CHỈ CHỞ DUY NHẤT MỘT HÀNH KHÁCH ĐẶC BIỆT
Tô Lan Hương: Thú thật là tôi rất bất ngờ khi đọc hồ sơ cá nhân của ông: Vào năm 1985, ông là Việt Kiều đầu tiên về nước đầu tư kinh doanh, trước cả khi Việt Nam chính thức mở cửa và công nhận nền kinh tế thị trường nhiều thành phần. Chắc phải có lý do đặc biệt nào cho sự trở về đó?
Johnathan Hạnh Nguyễn: Sự trở về của tôi có lẽ phải bắt đầu từ năm 1984, khi tôi đang là thanh tra tài chính của Boeing Subcontractors thì nhận được một cuộc điện thoại từ văn phòng đại diện của Việt Nam ở Liên hợp quốc (LHQ). Đó đơn thuần chỉ là một cuộc hỏi thăm. Họ chỉ ngỏ ý hỏi tôi có muốn về Việt Nam thăm gia đình không, chứ không nói lý do gì khác. Thời điểm đó, tôi đã xa Việt Nam hơn 10 năm và sau khi tốt nghiệp MBA thì tôi tiếp tục ở lại Mỹ làm việc sau ngày miền Nam giải phóng, nên tôi quyết định về thăm quê hương dù không thực sự đoán được lý do đằng sau lời mời ấy là gì.
Tết năm 1984, tôi đưa gia đình lần đầu tiên về Nha Trang rồi sau đó ra Hà Nội theo lời mời của Văn phòng Chính phủ. Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp tôi tại Văn phòng Chính phủ. Sau khi thăm hỏi gia đình, công việc của tôi, Thủ tướng đề nghị tôi giúp Việt Nam mở đường bay với Philippines. Ngay lúc đó tôi hiểu rằng, đây là một sứ mệnh đặc biệt và vô cùng quan trọng để giúp Việt Nam bắt đầu mở cửa để hội nhập với thế giới.
Tô Lan Hương: Tại sao một Việt kiều như ông lại là "người được chọn" cho nhiệm vụ này?
Johnanthan Hạnh Nguyễn: Trong cuộc gặp đó, tôi cũng đã hỏi Thủ tướng Phạm Văn Đồng câu hỏi ấy. Tôi không biết tại sao Chính phủ Việt Nam lại chọn tôi, vì tôi chỉ là một thanh tra tài chính của một hãng sản xuất máy bay, làm gì có kinh nghiệm với việc mở đường bay.
Sau đó tôi được biết rằng Bộ Ngoại giao đã rà soát danh sách Việt Kiều và chỉ có tôi làm việc trong lĩnh vực liên quan đến ngành hàng không với chức vụ khá cao lúc bấy giờ. Họ cũng biết tôi là cháu rể của Tổng thống Philippines Marcos. Mà trước đó, mọi nỗ lực tiếp xúc với Tổng thống Marcos qua đường ngoại giao trong các năm đều thất bại.
Sau cuộc trò chuyện dài, Thủ tướng Phạm Văn Đồng động viên tôi nhận nhiệm vụ này, hứa sẽ tạo mọi điều kiện, vì đây là việc Việt Nam buộc phải làm để dần xóa thế bao vây, cấm vận về kinh tế.
Tôi vẫn nhớ thời điểm đó, đón tôi ra Hà Nội là một chiếc chuyên cơ T134 mà tôi là vị khách duy nhất trên chiếc chuyên cơ ấy, lúc quay lại TPHCM cũng vậy. Qua những chi tiết ấy, tôi biết Chính phủ Việt Nam coi trọng việc này như thế nào và càng hiểu hơn tính cấp thiết của nó với nền kinh tế của đất nước.
Và tôi nhận lời!
- “VẬN MAY” KỲ LẠ Ở DINH TỔNG THỐNG PHILIPPINES VÀ GIỌT NƯỚC MẮT CỦA NHỮNG “NGƯỜI MỞ ĐƯỜNG”
Tô Lan Hương: Nếu như mọi nỗ lực ngoại giao trước đó đều thất bại, thì ông làm thế nào để thực hiện thành công một sứ mệnh có thể coi là bất khả thi như thế?
Johnathan Hạnh Nguyễn: Vào đầu thập niên 1980, do lệnh cấm vận của Mỹ, Việt Nam chỉ có hai cửa ngõ hàng không là Việt Nam - Moscow và Việt Nam - Bangkok (theo hình thức thuê chuyến). Do đó, việc mở thêm các đường bay khác là một nhiệm vụ cấp bách. Mà Việt Nam lúc bấy giờ đang bị cấm vận, dân mình thời đó nhiều khó khăn, các thế lực thù địch tấn công mọi phía, bằng cách nào mở đường bay cho được?
Ngay khi đồng ý với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, tôi đã biết đó không phải một nhiệm vụ dễ dàng. Tôi được anh Trần Tiến Vinh (Đại biện lâm thời của Việt Nam tại Philippines) kể rằng, Việt Nam đã tìm cách liên lạc qua kênh ngoại giao tổng cộng 6 lần với Manila, nhưng đều không nhận được bất cứ phản hồi nào. Cũng dễ hiểu thôi, vì khi đó Philippines là đồng minh thân cận của Mỹ.
Đầu tiên, tôi lập công ty PHL Impex International (tiền thân của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương IPP) để làm đối tác với Vietnam Airlines. Tôi đã tiếp xúc với TGĐ Hãng Hàng không Philippines Airlines qua sự giới thiệu của gia đình bên Philippines và đưa ra lời đề nghị của Việt Nam: Mong muốn phía Philippines đồng ý để Vietnam Airlines mở đường bay đến Manila. Nhưng về cơ bản, kết quả không thay đổi, Chính phủ của Tổng thống Marcos không đồng ý. Tổng thống Marcos thậm chí còn chỉ thị cấm mọi đề nghị xin phép mở đường bay của Việt Nam.
Nhưng giữa lúc gần như mọi nỗ lực đều đi vào bế tắc ấy, bằng mọi mối quan hệ với Phủ Tổng thống và với nhiều sáng kiến, thậm chí có lúc tính mạng như ngàn cân trên sợi tóc, tôi vẫn liều lĩnh tìm cách gặp và đệ trình thẳng với Tổng thống Marcos. Tôi có nói với bà Leita - Trợ lý của Tổng thống Marcos và cũng là em vợ của Tổng thống: "Bà làm ơn giúp tôi. Bất cứ lúc nào bà thấy Tổng thống Marcos vui vẻ thì báo tôi, tôi sẽ tự mình vào xin".
Buổi tối ngày 4/9/1985, bà Leita báo với tôi: "Tổng thống hôm nay rất vui vẻ, ông qua liền đi". Tôi được ông Trần Tiến Vinh cùng tôi lái xe vô Dinh Tổng thống và tôi bước vào văn phòng Tổng thống trong hồi hộp và căng thẳng đến tột đỉnh. Trước đó tôi có dặn với người thân: "Nếu tôi bị bắt, thì hãy nhờ Đại sứ quán Mỹ gửi công hàm cứu xét". Nhưng trái ngược hoàn toàn với dự đoán của tôi, TT Marcos nhận lấy tờ trình của Bộ ngoại giao Philippines từ tay tôi, hầu như không đọc văn bản, nhanh chóng ký, cũng không đặt bất cứ câu hỏi nào. Có được chữ ký của Tổng thống, tôi lập tức ra ngoài, và cũng nhanh chóng rời khỏi Dinh Tổng thống, chỉ sợ ông ấy gọi lại hỏi thêm bất cứ điều gì và đổi ý thì rất nguy hiểm.
Lúc biết tôi đã có được chữ ký của Tổng thống Marcos, ông Trần Tiến Vinh đón tôi và ôm tôi khóc: "Hạnh ơi, hôm nay cậu là anh hùng của dân tộc". Ông ấy lập tức điện báo về Hà Nội. Sau này, ông Mười Hương (Trưởng ban Nội chính Trung ương) kể với tôi, buổi tối hôm đó, nhiều lãnh đạo Hà Nội đều chờ "tin tốt lành" từ Manila và tất cả đều thở phào nhẹ nhõm khi nhiệm vụ đề ra cuối cùng đã thành công.
Sau đó 5 ngày, đúng ngày 9/9/1985, đánh dấu chuyến bay đầu tiên TPHCM - Manila - TPHCM. Cả chuyến bay có 31 quan chức hàng không Việt Nam và phóng viên báo chí. Lượt về chở 30 tấn hàng hóa là quà biếu của kiều bào Mỹ gửi về cho thân nhân ở Việt Nam. Đó là chuyến bay quốc tế đầu tiên của Vietnam Airlines đến một nước không nằm trong hệ thống XHCN. Trước đó, thỉnh thoảng Việt Nam có các chuyến bay đến Thái Lan, nhưng đều phải xin phép theo từng chuyến. Sự kiện này quan trọng với việc mở cửa và hội nhập của Việt Nam sau này, vì mở được đường bay đến Philippines có nghĩa là bắt đầu mở ra cơ hội làm ăn với các nước tư bản, cũng là mở ra con đường để vận chuyển hàng hóa, quà biếu, ngoại tệ của Kiều bào gửi về cho thân nhân ở Việt Nam.
Đến giờ tôi vẫn nghĩ, sự thành công của tôi hôm đó là do "thiên thời, địa lợi, nhân hòa". Và đó cũng là khởi đầu của tôi cho hành trình 36 năm về nước làm ăn, tạo nên cơ nghiệp ngày hôm nay.
- TRỞ THÀNH DOANH NHÂN VIỆT KIỀU ĐẦU TIÊN VỀ NƯỚC VÌ XÓT XA VỚI HÌNH ẢNH CỦA QUÊ HƯƠNG
Tô Lan Hương: Tôi hình dung lúc đó ông đang có một sự nghiệp tốt ở nước ngoài, còn Việt Nam thì chưa mở cửa, kinh tế rất khó khăn, thu nhập đầu người ở mức thấp và lạm phát thì phi mã. Không chỉ thế, đâu đó vẫn có sự nghi kị với Việt Kiều về nước. Nghĩ thế nào thì đó cũng không phải là thời điểm thích hợp để ông trở về….
Johnathan Hạnh Nguyễn: Khi tôi trở về Việt nam cùng gia đình trong chuyến thăm năm 1984, hai con của tôi bị sốt xuất huyết nhưng dù có tiền cũng không mua được thuốc điều trị. Chúng tôi phải lấy khăn và chanh lau cả đêm lẫn ngày để hy vọng tụi nhỏ hạ sốt và phó mặc cho số phận, cuối cùng hai con tôi đều qua khỏi. Nhưng vào thời điểm đó, vẫn có hàng nghìn trẻ em ở Việt Nam tử vong do thiếu thuốc điều trị.
Trên chuyến bay từ TPHCM ra Hà Nội, hình ảnh đất nước mà tôi nhìn thấy là những ngôi nhà lợp mái tôn cũ rách, lụp xụp và nghèo…
Nếu chị hỏi cái gì là động lực, là lý do để tôi trở về, thì có lẽ đó chính là lý do. Tôi muốn được làm gì đó, góp phần giúp đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn này, giúp có thêm thuốc chữa bệnh...
Sau này, khi đường bay được mở thành công, tôi đã làm 3 việc mà tôi coi là ưu tiên số một của mình.
Thứ nhất, tôi đến trại tị nạn người Việt Nam ở Palawan - Philippines, tôi nói với họ rằng: "Tôi mong các cô chú, các anh chị hãy gửi tin về nhà, đề nghị gia đình và người thân dừng mọi kế hoạch vượt biên trái phép. Tôi hứa sẽ kết nối với Chính phủ Hoa Kỳ, Việt Nam và Philippines để người thân các anh chị có thể đoàn tụ với gia đình theo chương trình "Ra đi có trật tự". Sau này phía Hoa Kỳ, Philippines và Việt Nam đều đồng ý, nên có những chuyến bay của chúng tôi là chuyến bay chở người sang Philippines trước khi sang Mỹ đoàn tụ gia đình.
Thứ hai, tôi nhờ luật sư Mỹ hỗ trợ để tìm con đường hợp pháp đưa thuốc men vào Việt Nam. Cuối cùng, những thùng thuốc trị bệnh đủ loại được chuyển về Việt Nam từ Mỹ, do Việt kiều gửi về cho người thân, toàn bộ được đưa về nước qua những chuyến bay từ Philippines, giải quyết bài toán thiếu thuốc men trầm trọng của Việt Nam khi ấy.
Thứ ba, chúng tôi tìm cách đưa kiều hối về Việt Nam bằng cách thực hiện biện pháp "xuất khẩu tại chỗ", để Chính phủ Việt Nam vừa có ngoại tệ để sử dụng, còn người dân có thân nhân ở nước ngoài cũng có tiền để chi tiêu, để mua sắm trang thiết bị cho gia đình và những thứ cho nhu cầu cần thiết khác.
- BÀI HỌC ĐẦU TIÊN TỪ PHÓ THỦ TƯỚNG TRẦN QUỲNH VỀ SỰ KIÊN TRÌ VÀ NHẪN NẠI
Tô Lan Hương: Khi đã về nước làm ăn rồi, liệu ông có phải đối mặt với những khó khăn khiến ông nản lòng và muốn từ bỏ?
Johnathan Hạnh Nguyễn: Sau khi đã mở được đường bay cho Việt Nam, bác Trần Quỳnh (Phó Thủ tướng Chính phủ) đã gặp và nắm tay tôi dặn dò: "Làm ăn ở Việt Nam con cần nhớ hai điều: Thứ nhất là phải kiên nhẫn, kiên trì, thứ hai là phải làm đúng quy định của pháp luật, khi đó Đảng, Chính phủ và Nhân dân sẽ bảo vệ con".
Tôi hiểu những điều bác Trần Quỳnh nói. Ông ấy sợ tôi thua lỗ và sẽ "bỏ của chạy lấy người" về Mỹ.
Trong 3 năm đầu kể từ 1985 đến hết 1988 - thời điểm Việt Nam có Hiệp định Hàng không với Philippines, tôi đã thua lỗ 5 triệu USD trên tổng số 20 triệu USD vốn liếng của mình. Hồi đó, đây là một số tiền rất lớn. Tôi lỗ vì chi phí cho mỗi chuyến bay charter khi ấy là hơn 40 nghìn USD, một tháng bay hàng mấy chục chuyến mà chuyến nào cũng chỉ có hàng hóa chiều vào, chiều ra thì trống không, hành khách bay thì không có, nên con số lỗ cứ tăng lên theo cấp số nhân.
Tôi cũng mở nhà máy may mặc, sản xuất song mây, gia công để xuất khẩu, xây khách sạn 3 sao đầu tiên của Việt Nam ở Nha Trang. Tôi còn làm nhiều thứ để tạo công ăn việc làm cho người dân. Nhưng đúng là giai đoạn đó, làm gì cũng khó, rất dễ thua lỗ.
Nhưng tôi luôn nhớ lời dặn của bác Trần Quỳnh về sự kiên trì, cũng tin vào tầm nhìn của mình: Tương lai đất nước còn dài, và nhất định sẽ khởi sắc, sẽ tốt đẹp.
Thực sự là từ lúc ấy, tôi đã xây dựng những kế hoạch 10 năm - 20 năm - 30 năm cho doanh nghiệp của mình, và tin tưởng rằng, rồi kinh tế Việt Nam sẽ sớm mở cửa, hội nhập, những cơ hội của tôi sẽ đến và tương lai sẽ tươi sáng hơn. Với 5 triệu USD thua lỗ trong 3 năm đầu, tôi coi đó là số tiền mình bỏ ra để xây dựng nền móng kinh doanh ở Việt Nam.
Tô Lan Hương: Thời điểm nào thì việc kinh doanh của ông ở Việt Nam bắt đầu khởi sắc?
Johnathan Hạnh Nguyễn: Năm 1988, khi Việt Nam - Philippines ký được Hiệp định Hàng không và cũng là thời điểm Việt Nam có Luật Đầu tư nước ngoài, thì tôi không còn lỗ nữa. Sau 10 năm, tôi đã thu hồi lại toàn bộ số tiền đầu tư và thua lỗ trong những năm đầu và bắt đầu có lãi.
Có một số người về nước kinh doanh với tâm lý "đánh nhanh rút gọn". Họ kiếm lời hàng triệu USD rồi nhanh chóng rời đi. Nhưng tôi chọn đi con đường dài, dù có thể khó khăn; tôi chọn có lúc thua thiệt để xây dựng nền tảng vững bền, để vừa tiếp tục phát triển hơn nữa sự nghiệp của tôi, vừa đóng góp cho xã hội trên chính mảnh đất quê hương mình. 36 năm trước là thế và bây giờ cũng vẫn luôn là thế.
Trong hoạt động sản xuất kinh doanh tôi luôn theo phương châm bình đẳng với đối tác, có kế hoạch lâu dài, phát triển kinh doanh phải theo hướng các ngành hàng hỗ trợ cho nhau và đặc biệt phải chăm sóc, quan tâm đến những người có tâm huyết với công ty. Tôi thường nhắc nhở nhân viên của công ty là chúng ta luôn tuân thủ pháp luật, trong bất cứ điều kiện kinh doanh nào, trước hết phải tôn trọng luật pháp, phải minh bạch và làm đầy đủ các nghĩa vụ đối với các cơ quan nhà nước. Sự thành công không nằm trong danh mục đầu tư mà ở sự đóng góp của mỗi ngành kinh doanh của tập đoàn vào sự phát triển kinh tế và thịnh vượng của nước nhà.
- “CHỖ DỰA” CỦA TÔI LÀ ĐẢNG, CHÍNH PHỦ, NHÂN DÂN VÀ SỰ THƯỢNG TÔN PHÁP LUẬT
Tô Lan Hương: Có nhiều người cho rằng, muốn kinh doanh ở Việt Nam giai đoạn đó thì cần có "chỗ dựa". "Chỗ dựa" của ông là gì hay là ai?
Johnathan Hạnh Nguyễn: Tôi dựa vào Đảng, vào Chính phủ, vào Nhân dân, dựa vào việc tôi luôn tuân thủ nguyên tắc thượng tôn pháp luật trong suốt 36 năm qua. Hồi đó cũng có những người nói tôi mạo hiểm khi mang một số tiền lớn về nước làm ăn. Nhưng những năm đó, hành lang pháp lý của Việt Nam cho những người làm kinh tế như tôi hầu như là chưa có gì nhiều, giấy phép kinh doanh cho các công ty, xí nghiệp tôi mở ra chỉ là một vài văn bản đơn giản. Nhưng tôi có niềm tin rằng, tôi đã và đang làm những việc có ích với đất nước, nên không sợ ai gây khó khăn cho tôi cả.
Trong 36 năm qua, kể từ những ngày đầu đó cho đến hôm nay - khi mà Tập đoàn IPP của gia đình tôi đã đóng góp 2000 tỷ mỗi năm tiền thuế vào ngân sách nhà nước cho 5 năm trước đại dịch, tôi có thể ngẩng cao đầu tự hào rằng: Tôi chưa bao giờ làm bất cứ điều gì mà pháp luật không cho phép.
Tôi tin rằng, nếu tôi làm sai, thì dù có quen các lãnh đạo của Việt Nam, cũng không ai cứu được tôi hết. Tôi coi đây là nguyên tắc sống còn trong kinh doanh của mình tuy lợi nhuận có thể ít đi. Tôi có thể là người bắt đầu kinh doanh sớm nhất ở Việt Nam trong giai đoạn Đổi Mới, nhưng không phải là người giàu nhất vì lựa chọn này. Nhưng đổi lại, tôi luôn ngủ yên mỗi tối và tự tin về uy tín của mình trên thương trường cũng như đối với các bộ, ban ngành và Chính phủ Việt Nam.
Tô Lan Hương: Kinh doanh ở Việt Nam 36 năm, người ta biết ông là "vua hàng hiệu", nhưng có thể nói hàng không mới là lĩnh vực tạo ra lợi nhuận chính cho gia đình ông. Thậm chí có nhiều người cho rằng gia đình ông đang độc quyền trong nhiều mảng kinh doanh dịch vụ "béo bở" trong ngành này?
Johnathan Hạnh Nguyễn: Cho đến nay, lĩnh vực hàng không vẫn là lĩnh vực kinh doanh trọng điểm của IPPG. Nhưng với tôi, nó không phải một món quà từ trên trời rơi xuống, mà là thể hiện sự nỗ lực và đóng góp của tôi trong ngành này.
Vào năm 1985, khi đường bay TPHCM - Manila được mở, Thủ tướng Phạm Văn Đồng gọi tôi ra Hà Nội một lần nữa và thay mặt Chính phủ nói lời cảm ơn với tôi. Bác Phạm Văn Đồng có hỏi:
- Con có đề nghị gì không?
Tôi đáp:
- Thưa Bác, cho con xin hai điều. Một là cho gia đình con ở Việt Nam được có hộ chiếu và visa để có thể ra vô Việt Nam một cách dễ dàng. Hai là con muốn được kinh doanh các cửa hàng miễn thuế ở sân bay.
Bác Phạm Văn Đồng đồng ý với cả hai đề nghị của tôi. Ngay tuần lễ sau gia đình tôi có hộ chiếu Việt Nam. Còn chuyện kinh doanh cửa hàng miễn thuế thì từ năm 1992 tôi mới bắt đầu làm. Nhưng nói thật là giai đoạn đầu lỗ lắm, vì lúc đó các sân bay Việt Nam còn rất ít khách. Doanh nghiệp của tôi là doanh nghiệp đầu tiên bỏ tiền đầu tư vào các cửa hàng miễn thuế và dịch vụ sân bay khi đó và kiên trì với nó dù lỗ liên miên những năm đầu mà không hề nao núng. Bởi nhiều năm ở nước ngoài giúp tôi hiểu rằng, sau khi mở cửa, khách đến Việt Nam sẽ tăng lên, hàng không Việt Nam lẫn các dịch vụ hàng không đi kèm đều sẽ phát triển.
Bây giờ, các gian hàng miễn thuế, cửa hàng dịch vụ của Tập đoàn IPPG có mặt ở tất cả các sân bay trên cả nước, tôi cũng nghe không ít những người nói rằng chúng tôi đang độc quyền trong lĩnh vực này. Nhưng khi nhìn kỹ lại, việc không có đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực này là bởi vì chúng tôi đã luôn kiên trì, đồng hành với lịch sử ngành hàng không Việt Nam cũng như hành trình phát triển kinh tế của đất nước suốt một chặng đường dài đầy khó khăn như thế. Với sự kiên trì đó của tôi, tôi đã tạo được uy tín trên thương trường quốc tế, chúng tôi được các Tập đoàn lớn quốc tế sở hữu các thương hiệu đẳng cấp, giao cho chúng tôi làm đại lý phân phối độc quyền tại Việt Nam hơn 108 thương hiệu, và nhu cầu của sân bay là cần các thương hiệu quốc tế để nâng tầm đẳng cấp, có thể sánh ngang với các sân bay lớn trên thế giới… thì lý do chúng tôi là người dẫn đầu trong dịch vụ bán lẻ sân bay là hoàn toàn hợp lý.
Nhưng chắc chắn, việc kinh doanh tại các sân bay đã đi vào nề nếp, không có việc bất cứ công ty nào được độc quyền tại đây.
- KẾ HOẠCH 10 NĂM LẦN THỨ TƯ CỦA MỘT NGƯỜI TIÊN PHONG VÀ HẠNH PHÚC VÌ “ĐÃ TỪ HẠT NƯỚC TRỞ THÀNH CON SÓNG”
Tô Lan Hương: Khi nãy ông vừa nói, ông đã xây dựng kế hoạch rất dài cho những chặng đường 10 năm - 20 năm - 30 năm của công ty ông. Bản kế hoạch đó cụ thể như thế nào?
Johnathan Hạnh Nguyễn: Trong 10 năm đầu, tôi biết mình sẽ lỗ. Vì khi đó ngoài doanh nhân và các nhà đầu tư, sẽ không có chuyện khách du lịch ồ ạt vào Việt Nam. Giai đoạn 10 năm lần thứ hai, tôi đẩy mạnh kinh doanh các dịch vụ sân bay. Giai đoạn 10 năm lần thứ ba, tôi bắt đầu đẩy mạnh kinh doanh hàng hiệu khi trở thành đối tác quốc tế với 108 thương hiệu, vì tôi hiểu, đây sẽ là thời điểm Việt Nam tạo ra một thế hệ người giàu mới. Hơn nữa, trở thành đối tác của các thương hiệu lớn trên thế giới sẽ củng cố vị trí của chúng tôi trong việc kinh doanh các cửa hàng miễn thuế ở sân bay, cũng như việc phát triển các dự án các trung tâm thương mại cao cấp (Tràng Tiền plaza Hà Nội và REX Arcade..), các khu phi thuế quan, các factory outlet (như ở Phú Quốc) và các dự án kinh doanh hàng hiệu mà chúng tôi đang làm.
Tô Lan Hương: Còn giai đoạn 10 năm lần thứ tư, cũng chính là thời điểm hiện tại, những kế hoạch tương lai của ông sẽ là...
Johnathan Hạnh Nguyễn: Khát vọng của Việt Nam đang hướng đến rút ngắn khoảng cách phát triển với khu vực và thế giới, để Việt Nam trở thành quốc gia phát triển đến năm 2045. Nhằm đạt được mục tiêu trên, nhu cầu nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội trong 25 năm tới là rất lớn, trong khi nguồn lực trong nước chưa đảm bảo được, thì nguồn lực của các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài rất quan trọng.
Nền tài chính của Việt Nam cần đóng vai trò là kênh dẫn vốn hiệu quả. Tôi có nói chuyện với nhiều tỷ phú Mỹ về câu chuyện đó. Chúng tôi đều tin rằng, Việt Nam thậm chí có thể thực hiện được mục tiêu thành nước phát triển sớm hơn 5 năm. Vào giai đoạn 10 năm lần thứ tư, tính từ thời điểm tôi về nước, tôi đặt nhiều kỳ vọng để đưa tập đoàn của mình phát triển lên một tầm cao mới.
Trong 45 dự án mà tôi báo cáo với Thủ tướng chính phủ mới đây về kế hoạch đầu tư những dự án trọng điểm của IPPG như: Xây dựng Trung tâm Tài chính (TTTC) quốc tế ở TPHCM và TTTC khu vực tại Đà Nẵng; Đầu tư các khu phi thuế quan; các thành phố thông minh sân bay; Thành lập Hãng Hàng không IPP Air Cargo và chuỗi Trung Tâm phân phối Logistic Hubs ; Xây dựng công viên giải trí có thương hiệu quốc tế (Disneyland, Universal Studio, Sea World) để thu hút hàng trăm triệu khách du lịch… Tuy nhiên, tôi không thể làm việc đó một mình, mà còn hợp tác với nhiều đối tác thuộc các tập đoàn lớn hàng đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực khác nữa.
Đề án xây dựng TTTC đang được các tư vấn có kinh nghiệm phát triển các TTTC quốc tế trong và ngoài nước đã trao đổi liên tục và đạt được sự đồng thuận của các nhà đầu tư, đề án đã được hoàn thành sơ bộ và đang tiến hành lấy ý kiến Bộ ban ngành. Nếu được các cơ quan chức năng phê duyệt thì hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ USD sẽ được đầu tư vào Việt Nam. Điều đáng tiếc duy nhất là đại dịch xảy đến làm chậm lại những kế hoạch đó, nhưng dù chậm lại, mọi thứ vẫn đang tiếp tục được các cơ quan chức năng hỗ trợ tiến hành.
Có thể nói, nếu như 36 năm trước, tôi tự tin dồn sức lực để tham gia vào quá trình mở cửa Việt Nam, thì giai đoạn này, tôi lại tự tin dốc hết vốn liếng và tâm trí của mình để phát triển một chặng đường mới cho IPPG nói riêng và cho sự thịnh vượng của đất nước nói chung.
Tô Lan Hương: Sau 36 năm, ông nghĩ gì về con đường mà ông đã lựa chọn khi trở về?
Johnathan Hạnh Nguyễn: Điều tôi luôn tâm niệm là: "Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà phải hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc?".
Tôi rất hạnh phúc, vì đã được tham gia vào quá trình đổi mới của đất nước từ rất sớm và nhiều hơn hầu hết các doanh nhân Việt Nam. Từ lúc khởi đầu chỉ là một "hạt nước", tôi rất vui vì giờ mình đã trở thành một "con sóng" trên hành trình này.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thật nhiều hoài niệm và cảm xúc này!
Theo Dân Trí
Tin liên quan
29 - 12 - 2024 | Hoạt động cộng đồng
Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn ủng hộ 4,79 tỉ đồng cho Khánh Hòa27 - 12 - 2024 | Tin Tập Đoàn
The Moodie Davitt Report bầu chọn ông Johnathan Hạnh Nguyễn là 'Nhân vật của năm'23 - 12 - 2024 | Hoạt động cộng đồng
CEO IPPG: 'Bình đẳng giới là trọng tâm chiến lược ESG'