IPPG tài trợ đề án xây dựng Đà Nẵng trở thành Trung tâm Tài chính quy mô khu vực

29 - 03 - 2021

Công ty Liên Thái Bình Dương (IPPG), đại diện là doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn ký kết tài trợ cho dự án Trung tâm Tài chính Đà Nẵng vào 23/9.

Lễ công bố Nghị định, Quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về phát triển thành phố Đà Nẵng diễn ra vào sáng 29/3 tại Đà Nẵng có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và lãnh đạo các Bộ, ban ngành Trung ương.

Tại buổi lễ, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã cung cấp nhiều Nghị định và Quyết định quan trọng của chính phủ ,trong đó có Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15/3/2021 phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố, và Chủ trương cho phép nghiên cứu, lập Đề án xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính quy mô khu vực.

Tại buổi lễ, Công ty Liên Thái Bình Dương (IPPG) thay mặt cho tổ hợp liên danh các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ: Cantor Fitzgerald, Weidner Resorts/ GAM, Steelman Pantners, đã được TP Đà Nẵng lựa chọn ký kết tài trợ cho dự án Trung Tâm Tài Chính Đà Nẵng, đồng thời UBND TP Đà Nẵng cũng thống nhất IPPG và tổ hợp liên danh quan tâm tham gia dự án Đầu tư Tổ hợp trung tâm tài chính tại thành phố Đà Nẵng (dự kiến tổng diện tích khoảng 58 ha tại Quận  Sơn Trà).
UBND TP Đà Nẵng cũng chỉ đạo các sở ban ngành thành phố Đà Nẵng tạo điều kiện thuận lợi Cho IPPG Tham gia vào quá trình lựa chọn nhà đầu tư Dự Án Theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam .
Công ty Sherman của Anh Quốc, công ty chuyên xây dựng các đề án trung tâm tài chính toàn cầu hàng đầu đã được lựa chọn  là nhà tư vấn chính cho đề án Trung Tâm Tài Chính Đà Nẵng.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn phát biểu tại buổi lễ ký kết. Ảnh: IPPG.

Theo đó, IPPG cam kết bàn giao Đề án cho UBND thành phố Đà Nẵng trong vòng 06 tháng kể từ ngày ký kết Bản thỏa thuận này (không kể thời gian lấy ý kiến các cơ quan có liên quan và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt). Nội dung của Đề án phải phù hợp với chủ trương, chính sách của Nhà nước Việt Nam và định hướng phát triển thành phố Đà Nẵng; có tính khả thi trên thực tiễn khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt triển khai; có khả năng thu hút các nhà đầu tư quốc tế vào dự án.

Lễ ký kết ghi nhớ giữa ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch của IPPG và ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch TP Đà Nẵng. Ảnh: IPPG.

Phát biểu tại Lễ công bố, ông Johnathan Hạnh Nguyễn – Chủ tịch Hội đồng thành viên IPPG khẳng định: Với mong muốn góp phần vào sự phát triển của thành phố Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung, thực hiện mục tiêu của Chính phủ, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển vào năm 2045, ông và những đối tác, những người bạn phía Mỹ, cũng là những “đại bàng chúa” (cách gọi của ông về những người bạn Mỹ – PV), là những nhà đầu tư hàng đầu Thế Giới thuộc các lĩnh vực: Trung tâm tài chính, Đầu tư và thiết kế  Resort Hotel giải trí phức hợp casino, đã trao đổi, làm việc bất kể ngày đêm nhằm sớm đạt được những thỏa thuận để thông qua IPPG, sẽ đưa Dự án Trung tâm tài chính quy mô khu vực vào thành phố Đà Nẵng trong một tương lai không xa. Ông Hạnh Nguyễn cũng bày tỏ sự trân trọng về những quyết sách, chỉ đạo mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, là chìa khóa mở đường cho sự tăng tốc và cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam. IPPG và cá nhân ông Hạnh Nguyễn tự hào là cầu nối để những dự án mang tầm khu vực và quốc tế sẽ được triển khai xây dựng. 

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn (thứ ba từ trái sang) cùng các doanh nghiệp được BTC Đà Nẵng tặng hoa cảm ơn. Ảnh: IPPG.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng chia sẻ rằng: “Với sự quyết tâm và tạo điều kiện thuận lợi, chủ động tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho các nhà đầu tư của các cấp lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, chúng tôi tin rằng trong thời gian không xa, Đà Nẵng sẽ thành một thành phố  tài chính, du lịch, vui chơi nghỉ dưỡng, mua sắm quy mô, đẳng cấp sánh ngang tầm khu vực và thế giới. Kỳ vọng của Chính phủ là đến năm 2045, Việt Nam sẽ là 1 nước phát triển, với sự hỗ trợ của chính phủ các nhiệm kỳ sắp tới, bằng sứ mệnh được giao, tôi cam kết, chúng tôi sẽ góp phần đưa Việt Nam tiến lên hùng cường trong một môi trường quốc tế đa chiều và hội nhập sâu rộng để có thể về đích sớm hơn mục tiêu đặt ra”.