Tổng giám đốc IPPG tham dự & phát biểu tại diễn đàn doanh nhân nữ: Phụ nữ là doanh nhân

07 - 10 - 2017

Vào ngày 28/9/2017 vừa qua, bà Lê Hồng Thủy Tiên – nguyên Tổng Giám Đốc của Tập đoàn Imex Pan Pacific (IPP), đã vinh dự được mời tham gia làm diễn giả trong chương trình Đối thoại công tư về Phụ nữ và Kinh tế APEC nằm trong khuôn khổ APEC năm 2017 diễn ra tại Thành Phố Huế,  do Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội và VCCI đồng tổ chức với chủ đề của buổi hội thảo là Diễn Đàn Doanh Nhân Nữ: Phụ Nữ là Doanh Nhân.

Buổi hội thảo đã diễn ra với sự sự góp mặt gần 600 đại biểu là học giả và chủ tịch các hiệp hội như: Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, Giám đốc Ngân hàng Thế giới Việt Nam, Cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ về Tài chính, Đại sứ Úc về Phụ nữ và trẻ em, Trưởng đoàn đại biểu Úc , Giám đốc Toàn cầu về Nhân Tài và Phát triển Tổ chức, Tập đoàn Coca-Cola… Phía đại diện Việt Nam chỉ có bà Lê Hồng Thủy Tiên – Tổng Giám đốc Tập Đoàn IPP, và bà Thái Hương – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn TH.

Tại phiên thứ nhất của Hội thảo, câu hỏi được đặt ra là: “Làm thế nào để tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế, tài chính và xã hội trong một thế giới đang thay đổi nhanh, ảnh hưởng rất lớn đến phụ nữ và trẻ em gái? Phụ nữ có thể đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng bền vững, sáng tạo và hòa nhập bằng cách nào?”

Cuộc thảo luận diễn ra rất sôi nổi, hào hứng với những bài phát biểu đầy thông điệp tích cực từ các diễn giả. Có mặt tại tại buổi hội thảo, bà Lê Hồng Thủy Tiên với tư cách là đại diện Việt Nam đã chia sẻ ý kiến của bà bằng tiếng Anh trong thời gian giới hạn cho phép như sau:

Xã hội và kinh tế Thế giới ngày càng thay đổi và phát triển nhanh chóng. Theo tôi, sau đây là các yếu tố chính hỗ trợ cho người phụ nữ mạnh dạn tham gia đóng góp vào lĩnh vực kinh tế, tài chính và xã hội:

1/ Mang đến môi trường làm việc phù hợp và chuyên nghiệp nhằm khơi dậy cảm hứng và sự đam mê để phụ nữ có cơ hội tự thể hiện chính mình và năng lực bản thân.

2/ Công nhận và thưởng thức tài năng của phụ nữ, điều này sẽ động lực để họ nỗ lực trau dồi và phát triển bản thân một cách toàn diện.

3/ Định hướng và giáo dục, cập nhật những kiến thức về kinh tế mới nhất cho phụ nữ và trẻ em từ học đường cho đến tri thức xã hội.

4/ Độc lập về tài chính là chìa khóa giúp phụ nữ vượt qua mọi sự tự ti, mặc cảm và thoát khỏi vỏ bọc rụt rè của bản thân. Từ đó, họ có thể trang bị đầy đủ bản lĩnh để bước ra và hội nhập với Thế giới.

5/ Chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em gái là điều tối quan trọng của bất kỳ quốc gia và rất cần sự hỗ trợ đặc biệt từ Chính phủ & Nhà nước.

6/ Quan niệm “trọng nam khinh nữ” ăn sâu từ thời phong kiến phải được thay đổi triệt để.  Bắt đầu ngay từ trong gia đình, sự cảm thông và hỗ trợ từ người chồng và người cha góp phần quan trọng nâng cao vai trò của phụ nữ trong các lĩnh vực xã hội và kinh tế.

7/ Khuyến khích phụ nữ tham gia vào các tổ chức và công đoàn nữ giới từ cấp địa phương tới quốc tế để trao đổi và cập nhật kiến ​​thức mới nhất trong nước và Thế giới.

8/ Vai trò quan trọng và hành động thiết thực của Chính phủ & Nhà nước trong Định hướng xã hội, hướng tới bình đẳng giới, thừa nhận vai trò và năng lực của phụ nữ.

Bài phát biểu của bà Lê Hồng Thủy Tiên tại Hội thảo đã được kết thúc bằng một thông điệp mạnh mẽ về nữ quyền: “Là phụ nữ, chúng tôi không muốn đươc đối xử ưu tiên, chúng tôi chỉ  yêu cầu sự bình đẳng.” Bằng những ý kiến rất cô động súc tích và sắc nét về những yếu tố hỗ trợ cho người phụ nữ tham gia hội nhập và làm kinh tế trong 1 Thế giới không ngừng đổi thay và phát triển mạnh mẽ, bà đã thực sự chính phục được toàn bộ những đại biểu, người tham gia tại diễn đàn lần này.

Tin có trên các báo