Người tiên phong mở đường bay kết nối Việt Nam với Thế giới
20 - 05 - 2020
“Việt Nam đang bị cấm vận, dân mình thời đó quá khổ, các thế lực thù địch tấn công mọi phía, bằng cách nào mở đường bay cho được? Tất cả cũng chỉ bởi hai tiếng Quê Hương”, ông Johnathan Hạnh Nguyên nhớ lại thời điểm cách đây 35 năm khi ông nhận một nhiệm vụ “đặc biệt”.
VỀ THĂM QUÊ, ĐƯỢC THỦ TƯỚNG GIAO NHIỆM VỤ
Cuối năm 1984, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đang làm thanh tra tài chính cho hãng Boeing bất ngờ nhận một cú điện thoại từ Văn phòng Đại diện Việt Nam tại Liên Hợp quốc mời về thăm quê hương. Vui mừng, ông nhanh chóng sắp xếp công việc đưa vợ và các con về. Ông được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng gọi ra Hà Nội và hỏi chuyện kết nối mở đường bay quốc tế cho Việt Nam. Vì làm trong lĩnh vực hàng không nên ông Hạnh hiểu việc này không đơn giản chút nào trong giai đoạn Mỹ đang cấm vận. Chuyện đại sự nên ông chỉ dám nói “cháu sẽ cố gắng hết sức”.
Từ trái sang phải : Ông Rudy Martel em rể tổng thống Marcos, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ông Johnathan Hạnh Nguyên và trợ lý thủ tướng.
Thật không may, trong lần về Việt Nam này, hai con ông bị sốt xuất huyết nặng, đứng trước sự sống và cái chết... Các bác sĩ tại Nha Trang đã vất vả cứu chữa trong điều kiện thiếu thốn các thuốc đặc trị. Ông tự hỏi, nếu con mình có chuyện gì thì mình đau đớn cỡ nào. Vậy còn hàng triệu trẻ em Việt Nam đang nằm trong bệnh viện không có thuốc men để cứu chữa sẽ khổ sở ra sao. Nhưng chuyến thuốc và thiết bị y tế về cách nào khi không có đường bay? Lúc này, ông càng hiểu rõ sức nặng trong lời dặn của Thủ tướng.
Khi quay trở lại Philippines, ông Hạnh đem chuyện này nói với gia đình vợ (vợ ông là cháu họ vợ Tổng thống). Cả nhà can không nên có thực hiện vì Tổng thống Ferdinand Marcos (Tổng thống Philippines từ năm 1965 đến 1986) đã nói không ai được đề cập đến vấn đề mở đường bay.
“Mọi người phân tích, Mỹ đang cấm vận Việt Nam nên Tổng thống Marcos cũng không muốn làm mất lòng Mỹ. Hơn nữa ông ấy nổi tiếng là một nhà độc tài, khi đã nói “ không ” thì không nên xin và lặp lại. Chẳng may ông Marcos không hài lòng sẽ ra lệnh nhốt và cũng không biết ngày nào được đem ra xử”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn trầm ngâm kể lại. Năm 1985, Việt Nam chỉ có 1 đường bay đến các nước tư bản đi qua Bangkok (Thái Lan) và họ chỉ duyệt cấp phép từng chuyển một. Ngành hàng không khi đó khó khăn vô cùng.
Ông Hạnh đã trằn trọc nhiều đêm không ngủ, sự ám ảnh khi xem CNN phát hình ảnh các tàu vượt biên chở người từ Việt Nam bị hải tặc cướp, hãm hiếp, giết chết... ném xác trên biển thôi thúc ông bằng mọi cách phải nhanh chóng tìm phương án mở đường bay. Ông bắt đầu tìm gặp các luật sư và làm việc với các Hội đoàn bên Mỹ với hy vọng tìm ra hướng đi. Luật sư tại Mỹ khuyên nên xin mở đường bay cứu trợ nhân đạo chứ không phải đường bay thương mại.
Đây là ý tưởng rất hay, ngày 22/5/1985, ông Hạnh Nguyễn đã đăng ký thành lập Công ty PHL để ký hợp đồng thuê máy bay Vietnam Airlines chuẩn bị cho việc mở đường bay. Nhưng khi đặt vấn đề với Bộ Ngoại giao và Cục Hàng không Philippines, một lần nữa mọi người đều cảnh cáo “chuyện này rất nguy hiểm, không thể làm được vì Tổng thống sẽ không chấp thuận”. Sau khi suy tính, ông Hạnh quả quyết: “Chuyện này tôi sẽ chịu trách nhiệm, tôi sẽ tự xin, chỉ cần các ông đồng ý để tôi thuê máy bay”.
PHÚT ĐỐI DIỆN VỚI TỔNG THỐNG MARCOS
Vì tình thế cấp bách ở trong nước, ngày 27/8/1985, ông Hạnh đã chuẩn bị xong hồ sơ và tìm gặp bà Rita, phụ tá và cũng là em vợ Tổng thống Marcos để nhờ giúp đỡ. “Khi nào bà thấy Tổng thống vui thì báo, tôi vào xin gặp. Chỉ cần thế thôi” , ông Hạnh nói và cho biết sau đó là những ngày chờ đợi cuộc gọi, hồi hộp và lo lắng. 19h ngày 4/9/1985, bà Rita gọi “vô đi, chiều nay tôi thấy Tổng thống vui lắm”. Hiểu đây là cơ hội cuối cùng, ông gấp rút gọi ông Trần Tiến Vinh, đại diện lâm thời tại Philippines để cùng vào Phủ Tổng thống. Lúc này, ông Hạnh đã chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xấu nhất. “Trường hợp anh bị bắt nhốt, em hãy đề nghị Chính phủ Việt Nam can thiệp”, ông Hạnh nói ngắn gọn với vợ.
20h ngày 4/9/1985, Phủ Tổng thống yên tĩnh lạ kỳ. Ông Hạnh trực tiếp lái chiếc xe của Đại sứ quán Việt Nam chạy thẳng vào Phủ Tổng thống. Bên trong, bà Rita đã đợi sẵn. Ông Hạnh đưa hồ sơ nhờ bà trình Tổng thống nhưng bà lắc đầu. Ông tiếp tục nhờ đại tá cận vệ Tổng thống nhưng nhận cái lắc đầu thứ hai. Không còn cách nào khác, ông mạo hiểm vào gặp trực tiếp Tổng thống Marcos. Trong phòng Tổng thống gần như trống trơn, ông Marcos đang ngồi ký duyệt hồ sơ, trên bàn có chiếc đèn màu xanh. Ông Hạnh đứng bên trái trình hồ sơ và thuyết phục. “Quả đúng là tâm trạng Tổng thống Marcos khá vui vẻ. Cuộc gặp rất nhanh chóng và thật kỳ diệu tôi đã có chữ ký phê duyệt của Tổng thống.
Lúc vào thì chân nặng tựa ngàn cân không bước nổi, lúc ra lại như đang không đi bằng chân mình nữa. Cố bước thật nhanh nhưng thật nhẹ vì chỉ sợ động vào thứ gì sẽ phát ra tiếng ồn... Cảm tưởng như chỉ dừng lại 1 giây thôi, Tổng thống Marcos sẽ ngước lên và đổi ý thì mọi việc sẽ khác.
Chỉ cách đó ít phút phải đối mặt với hai câu hỏi được đặt ra: Thứ nhất, “xin gì”. Nếu nói xin Việt Nam mở đường bay là chết vì Tổng thống đã nói nhiều lần không đồng ý. Thứ hai, vào mà cảnh vệ không báo, thư ký không đăng ký lịch thì sẽ chết chùm luôn”, ông Hạnh nói. Tôi lao ra hành lang nhìn thấy bà Rita, reo lên thật nhỏ “có rồi , có rồi” và chạy một mạch đến gặp ông Vinh đang đợi ở bên ngoài. Hai anh em ôm nhau khóc - ông Hạnh nhớ lại. Sau này ông Hạnh mới biết, thời điểm đó phe đối lập tại Philippines nổi lên muốn đảo chính. Còn Mỹ thì đang cố gắng gây sức ép lên chính quyền Tổng thống Marcos nên ông ấy đang trong tâm thế không hài lòng với Mỹ. Có thể vì thế, khi một người cháu trong gia đình xin mở đường bay cho Việt Nam thì ông Marcos đồng ý luôn.
Ngay trong đêm, tin được chuyển về Việt Nam, cả Bộ Chính trị lúc đó đều mừng rỡ. Ngay lúc này, ông Hạnh lại nhận lệnh làm sao trong vòng hai ngày máy bay của Hàng không Việt Nam phải cất cánh. Trong khi đó, thủ tục pháp lý tối thiểu để được bay phải mất hai tuần mới xong.
Để có chuyến bay lịch sử, ông Hạnh gấp rút hối thúc bà Rita gửi công văn các nơi thông báo ngay trong đêm. Ngay đó máy tính không như bây giờ, trong tâm trạng vui mừng chưa hết hồi hộp và lo sợ, từng chữ cái mà bà Rita gõ xuống chiếc máy chữ phát ra tiếng động khô khóc cũng làm ông Hạnh thót tim. Trong khi đó, Chánh văn phòng Tổng thống cũng đang chờ sẵn ở bên ngoài để ký các hồ sơ và chuẩn bị các giấy tờ.
Có được công văn chính thức, hôm sau đích thân ông Hạnh mang qua các bộ ngành, Cục Hàng không để xin phép bay. Và chỉ sau 5 ngày, ngày 8/9 có thông cáo báo chí, ngày 9/9/1985, với sự nỗ lực của nhiều cơ quan, ban ngành, Việt Nam thực hiện chuyến bay đầu tiên từ sân bay Tân Sơn Nhất đến Manila và ngược lại, đánh dấu giai đoạn mới trong hợp tác quốc tế của hàng không Việt Nam.
Ông Phan Tương – Giám đốc Sân bay Tân Sơn Nhất vui mừng gặp Đại sứ Lưu Đình Vệ tại buổi Lễ Khánh Thành đường bay Hồ Chí Minh – Manila ngày 9/9/1985
Chuyến bay đầu tiên số hiệu B-707 có 31 lãnh đạo các ban, ngành và Hàng không Việt Nam, phóng viên báo chí. Chuyến bay dẫn đầu là ông Phan Tương, Tổng giám đốc Cụm cảng hàng không Miền Nam và 11 thành viên phi hành đoàn đã hạ cánh xuống sân bay Manila lúc 9h30 sáng 9/9/1985 và lượt về chở 30 tấn hàng quà biếu của Việt kiều Mỹ gửi về cho thân nhân ở Việt Nam. Ngày Việt Nam có chuyến bay đầu tiên đến Manila, ông Lưu Đình Vệ, Đại sứ Việt Nam tại Philippines xúc động nói “Đại sứ Liên Xô đã xin mở đường bay 20 năm qua nhưng không được, tại sao em chỉ mấy tuần lễ mà họ cho ngay”, nghe vậy ông Hạnh bảo chỉ biết mỉm cười!
Tổ bay B-707 của Hãng Hàng Không Quốc Gia Việt Nam đến thăm đại sứ quán Việt Nam tại Manila ngày 09/09/1985.
Người dân nhận được quà biếu tại trạm trả hàng quốc tế Sân bay Tân Sơn Nhất năm 1985
“Ông Trần Tiến Vinh, người đã đi cùng ông Hạnh trên chiếc xe vào Phủ Tổng thống Marcos tối 4/9/1985. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm mở đường bay, ông Vinh đã xác nhận chi tiết theo lời kể của ông Hạnh Nguyễn.
LỜI CAM KẾT VÀ HOÀN TẤT NHIỆM VỤ
Sau những chuyến bay đầu tiên chở đầy quà biếu của bà con kiều bào gửi về, ông Hạnh sắp xếp những chuyên sau đó ưu tiên vận chuyển thuốc men và thiết bị y tế. Đường bay đã mở, thuốc men đều đặn gửi về, những em bé, người bị bệnh có thuốc chữa bệnh nhưng điều ông Hạnh còn day dứt là vẫn còn quá nhiều người vượt biên bỏ mạng trên biển
Lần tìm các mối quan hệ, ông Hạnh gặp sơ Pascale Lê Thị Tríu, người đã tham gia rất nhiều dự án nhân đạo cho Philippines và Việt Nam. Sơ Pascale Lê Thị Tríu dẫn ông Hạnh đi gặp những người Việt tại các trại tị nạn trên các đảo ở Philippines. Thời điểm đó những người sống trong các trại tị nạn mang tâm trạng uất ức vì bản thân đã trải qua và chứng kiến nhiều cảnh đau lòng khi người thân bị cướp, bị giết ... trong quá trình vượt biên nên khi nghe tin ông Hạnh đến họ đã lên kế hoạch “xử” ông. Khi tới các trại tị nạn , ông Hạnh giơ tờ giấy phép bay cho mọi người xem và nói: “Tôi đã có được giấy phép bay rồi, các anh chị nói mọi người ở nhà đừng đi vượt biên nữa, rất nguy hiểm. Hãy cho tôi thời gian, trên mỗi chuyến bay tôi sẽ có ghế cho khoảng 148 người ra đi và tôi cũng đang vận động các chương trình nhân đạo để giúp quý vị. Trước mắt, các vị hãy báo người nhà đăng ký lo các thủ tục để đi, phần tôi sẽ lo thu xếp các chuyến bay. Xin đừng liều mạng đi ra biển nữa”.
Sau khi ông Hạnh nói, những người ban đầu đòi “xử” ông đã rất ngỡ ngàng, Nhiều người vui mừng đến nỗi có người đã sụp xuống cảm ơn.
Từ những chuyến bay viện trợ nhân đạo, những chương trình “Ra đi có trật tự (ODP, chở những người làm việc trong chế độ cũ ra đi và đến nước Mỹ) rồi “Chương trình Đoàn tụ nhân đạo ” (HO) cũng được thực hiện. Dù các chương trình sau này được báo chí và thế giới nhắc đến, thể hiện uy tín của Việt Nam trên chính trường quốc tế vì lòng nhân đạo nhưng nhiệm vụ với ông Hạnh vẫn chưa trọn vẹn. Đó là tiếp tục giữ đường bay và tìm đường để thương mại hoá những chuyến bay dân dụng Việt Nam. Rồi ngày đó cũng đến. Ngày 28/11/1988, Hiệp định ngành hàng không ra đời với đóng góp không nhỏ của ông Hạnh. Có Hiệp định Hàng không, Việt Nam không còn bị ảnh hưởng bởi Luật cấm vận của Mỹ nữa mà sẽ được vận chuyển hành khách và hàng hóa tới các quốc gia khác. Nhiệm vụ bác Phạm Văn Đồng giao đã hoàn thành, ông Hạnh Nguyễn đã bàn giao các công việc còn lại cho Vietnam Airlines và Philippines Airlines.
PHẦN THƯỞNG VÀ 2 LỜI DẶN KHẮC CỐT GHI TÂM
Tại thời điểm mở đường bay đầu tiên của Việt Nam tới Philippines, ông Johnathan Hạnh Nguyễn chỉ vừa tròn 35 tuổi. Điều gì khiến chàng thanh niên trẻ đang có một cuộc sống bình yên với công việc lương cao, ổn định lại dám mạo hiểm mở đường bay có một không hai, có thể đánh đổi bằng sự an toàn của bản thân. “Nếu mình chỉ biết bản thân mà không dám dấn thân, thì đợi ai đây ? Tất cả điều đó đều xuất phát từ tình yêu quê hương Tổ quốc”, ông Hạnh tâm sự.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông Hạnh và em rể Tổng thống Marcos được bác Phạm Văn Đồng mời lên gặp lần nữa. Bác Đồng nói: “Cảm ơn con , đất nước ghi công con” . Và phần thưởng mà ông được nhận là những hộ chiếu dành cho cả gia đình 8 người đi Philippines- Mỹ. Sau khi gặp bác Đồng, ông Hạnh có dịp gặp bác Trần Quỳnh khi đó là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Bác Trần Quỳnh nắm chặt tay dặn dò: “Bác dặn con 2 điều. Thứ nhất, khi làm ăn ở Việt Nam còn phải kiên nhẫn, kiên trì. Thứ hai, làm ăn ở Việt Nam còn phải làm đúng pháp luật, đúng quy định thì Đảng, Nhà nước chính quyền, nhân dân sẽ đứng sau bảo vệ con” . “Sau này tôi mới hiểu hết hai điều bác nói. Việt Nam bắt đầu mở cửa sẽ không tránh khỏi những vướng mắc, dễ xảy ra đụng chạm, nên phải kiên nhẫn và phải kiên trì giữ đường bay.
Ngày đó chỉ vì duy trì đường bay mà trong 3 năm tôi đã cắn răng chịu lỗ tới 5 triệu USD. Nhưng nếu vì lỗ trước mắt mà đóng cửa đường bay thì công sức sẽ đổ song, đổ biển. Còn công việc đầu tư làm ăn tại Việt Nam sẽ liên quan đến nhiều quy định, nhiều vấn đề luật pháp còn chưa đề cập, nếu không giữ mình thì rất dễ đi sai đường... Hai điều bác Trần Quỳnh dặn , tôi luôn luôn ghi nhớ và làm theo trong suốt 35 năm qua” , ông Hạnh xúc động kể lại .
Theo Báo Giao Thông
Tin liên quan
13 - 12 - 2024 | Hoạt động cộng đồng
IPPG phối hợp WeLead cùng nâng cao sức khoẻ tinh thần của các nữ doanh nhân09 - 11 - 2024 | Tin đầu tư
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhận Giải thưởng Cống hiến trong lĩnh vực thương mại hàng không Trinity 202408 - 11 - 2024 | Tin Tập Đoàn
CEO IPPG phát biểu tại Diễn đàn Doanh nhân Nữ Việt Nam 2024