TGĐ IPPG chia sẻ triết lý kinh doanh: “Muốn kinh doanh bền vững, cần phải đầu tư dài hạn”

21 - 03 - 2019

Đó là quan điểm của bà Lê Hồng Thủy Tiên – TGĐ IPPG tại Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu năm 2018, tổ chức tại Sydney (Úc) vào cuối tháng 4/2018.

Năm 1995, khi mới 25 tuổi, bà Thủy Tiên đã làm Giám đốc điều hành một siêu thị lớn nhất đầu tiên tại Việt Nam, bà cũng là nữ dân sự duy nhất trong ban điều hành toàn các quý ông mặc quân phục luôn với tâm thế nghi ngờ khả năng lãnh đạo của một phụ nữ trẻ. “Ngày ấy, lúc nào tôi cũng bị dò xét và thử thách, tôi rất sợ hãi mỗi khi vào các cuộc họp. Nhưng có một thứ trong tôi mà không ai, không một quý ông nào có thể lấy đi đó là: Niềm đam mê và sự quyết tâm để thành công” – bà Thuỷ Tiên cho biết.

Triết lý thành công của TGĐ IPPG = Đam mê + Quyết tâm

Theo bà Thủy Tiên, để thành công trong kinh doanh cần phải có: Sự điềm tĩnh, kiên cường, có kiến thức, sự cần cù và tinh thần không ngại thất bại, hiểu được luật lệ và quy định của lĩnh vực kinh doanh mà mình muốn tham gia. Tự nhận thức được những điểm mạnh và điểm yếu của mình để học hỏi không chỉ từ bài học thành công mà cả từ thất bại và cách vượt qua khó khăn, dám chấp nhận sự thay đổi. Độc lập về tài chính sẽ giúp các bạn được tự do quyết định trong mọi việc mà bạn theo đuổi.

Bà Lê Hồng Thủy Tiên – TGĐ IPPG (thứ hai từ phải qua) làm diễn giả tại HNTĐPNTC năm 2018.

Bà Lê Hồng Thủy Tiên – TGĐ IPPG (thứ hai từ phải qua) làm diễn giả tại HNTĐPNTC năm 2018.

Cũng theo bà Thủy Tiên, doanh nghiệp không thể tồn tại nếu không có khách hàng. Để “giành” được khách hàng mới và giữ chân những khách hàng hiện tại, IPPG triển khai chiến lược khách hàng là trung tâm, khách hàng của IPPG bao gồm nhiều phân khúc khác nhau nhờ vào danh mục sản phẩm đa dạng mà IPPG đem lại. “Ngày nay, khách hàng ngày càng thể hiện rõ quyền năng của mình và các yêu cầu được phục vụ của họ tăng cao hơn bao giờ hết, do đó đem đến cho khách hàng những trải nghiệm tuyệt vời là hết sức quan trọng, nó làm khách hàng hài lòng và giúp doanh nghiệp thành công và tăng trưởng bền vững”.

Hành vi và xu hướng tiêu dùng của khách hàng có thể thay đổi nhanh chóng, đặc biệt là trong ngành bán lẻ và thời trang, lĩnh vực mà IPPG phải chuyển từ thế hệ X (những người sinh năm 1964 đến 1980) qua Thế hệ Y hay còn gọi là thế hệ kỹ thuật số rồi đến thế hệ Z, thế hệ sành công nghệ nhất hiện nay. Mỗi thế hệ có hành vi và xu hướng khác biệt. Để đảm bảo tính cạnh tranh, IPPG luôn hiểu hành vi, thị hiếu của khách hàng thông qua thu thập và phân tích dữ liệu, từ đó đưa ra những quyết định kinh doanh thay đổi phù hợp với nhu cầu khách hàng.

Bà Thủy Tiên chia sẻ thêm: “Là một doanh nhân, tôi nghiệm ra rằng: theo đuổi giấc mơ để xây dựng doanh nghiệp là công việc khó khăn, đầy thử thách nhưng sự nghiệp kinh doanh này thật xứng đáng để đi. Nó đòi hỏi sự cống hiến, kỷ luật, quyết tâm và niềm đam mê. Nhiệm vụ của người lãnh đạo là truyền cảm hứng, thúc đẩy nhân viên tham gia vào sự liên kết chiến lược để đạt được các mục tiêu kinh doanh, đồng thời vẫn phải đủ linh hoạt để xoay trục, chuyển qua các chiến lược mới khi cần thiết, đảm bảo tính cạnh tranh và sự sống còn của của doanh nghiệp. Và điều quan trọng nhất đối với tôi là: Cuộc sống là một bài học, học cả đời, không bao giờ kết thúc và chúng ta luôn luôn phải học hỏi không ngừng”

Thúc đẩy bình đẳng giới

Tiêu chí của IPPG là hỗ trợ những người cần sự giúp đỡ theo hướng bền vững để họ có thể xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn bằng chính đôi bàn tay của mình. Trong những năm qua, cùng với các tổ chức từ thiện của chính phủ, IPPG đã tập trung hỗ trợ các dự án giáo dục dành cho phụ nữ và trẻ em ở vùng còn khó khăn, hải đảo, tập trung vào các công việc như định hướng và giáo dục kiến thức kinh tế cho phụ nữ và trẻ em gái; khi phụ nữ độc lập về tài chính họ sẽ có được sự bình đẳng. Thay đổi tư tưởng trọng nam khinh nữ của chế độ phong kiến và với sự hỗ trợ từ gia đình đặc biệt là người chồng, người cha vai trò của phụ nữ trong xã hội sẽ được cải thiện.

TGĐ IPPG chụp hình lưu niệm với du học sinh Việt Nam tại Úc.

TGĐ IPPG chụp hình lưu niệm với du học sinh Việt Nam tại Úc.

IPPG thúc đẩy bình đẳng giới trong lực lượng lao động và tạo ra môi trường làm việc truyền cảm hứng cho phụ nữ có nhiều cơ hội để thể hiện bản thân; công nhận và vinh danh tài năng của phụ nữ. Đặc biệt, khuyến khích phụ nữ tham gia vào các đoàn thể, hiệp hội để trao đổi và cập nhật thông tin trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, ông Johnathan Hạnh Nguyễn – Chủ tịch IPPG đã có nhiều bài phát biểu về kinh doanh đến sinh viên các trường đại học để chia sẻ kinh nghiệm với các doanh nhân trẻ tiềm năng, cách thức để khởi nghiệp trong khi còn ngồi trên ghế nhà trường, hoặc sau khi tốt nghiệp, khuyến khích các em đóng góp cho xã hội thông qua các hoạt động kinh doanh của các em trong tương lai.

Bà Thủy Tiên nhấn mạnh : “Làm kinh doanh và để doanh nghiệp phát triển bền vững cần nhiều yếu tố trong đó có sự điềm tĩnh, kiên cường, đam mê và không ngại thất bại. Điều quan trọng là chọn lựa chiến lược phát triển kinh doanh. Theo tôi kinh doanh bền vững là đầu tư dài hạn, có thể chiến lược này sẽ không mang lại được nhiều lợi nhuận trước mắt, nhưng sẽ cho phép chúng ta trở thành người dẫn đầu thị trường trong những năm tới”.

Tổng giám đốc IPPG và đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội nghị

Bà Thủy Tiên và đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội nghị

Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu năm 2018 được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Sydney (Úc), từ ngày 26-28/4/2018 với chủ đề “Xây dựng các nền kinh tế chia sẻ giá trị chung”. Hội nghị có sự tham dự của hơn 1.250 đại biểu từ 65 quốc gia, trong đó có nhiều nhà lãnh đạo, các Bộ trưởng, CEO của các tập đoàn lớn, các nữ doanh nhân và đại diện nhiều tổ chức phụ nữ của các nước trên thế giới. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dẫn đầu đoàn Việt Nam với hơn 80 đại biểu. Tại phiên đối thoại chính về vấn đề “Đề cao phụ nữ trong kinh doanh”, doanh nhân Lê Hồng Thuỷ Tiên đã vinh dự được Hội đồng Doanh nhân Nữ VCCI đề cử và Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu Irene Natividad mời làm diễn giả cùng với 4 nữ lãnh đạo doanh nghiệp tiêu biểu được vinh danh từ các nước Mỹ, Úc, Ấn Độ và Trung Quốc: Bà Denise Evans – Phó chủ tịch đặc trách về phụ nữ và đa dạng hóa tiếp thị IBM; Bà Catriona Wallace – CEO Flamingo AI; Bà Anasuya Gupta – CEO CICO Technologies và bà Xu Ping – CEO Henan Imported Materials Group. Với các câu trả lời đối thoại sắc sảo, tự tin bằng tiếng Anh, doanh nhân Lê Hồng Thủy Tiên đã chia sẻ ý kiến về việc trao quyền cho phụ nữ trong kinh doanh cũng như kinh nghiệm trên thương trường của mình đầy huyết phục, mang tính đồng đội, bà đã gây ấn tượng mạnh với bạn bè quốc tế.

Tin có trên các báo