Kế hoạch lớn của IPPG – Biến Việt Nam thành “thiên đường mua sắm” mới tại Châu Á
01 - 01 - 2022
Nhân dịp năm mới, Cafebiz đã có cuộc trò chuyện thú vị cùng Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) - Johnathan Hạnh Nguyễn về 2 mảng kinh doanh quan trọng của IPPG là hàng hiệu và vận tải hàng không. Hàng hiệu chính mảng kinh doanh đầu tiên và cốt lõi, tạo ra cái tên ‘Vua hàng hiệu’ của ông Johnathan, còn vận tải hàng không là tân binh – được ông đặt rất nhiều kỳ vọng trong tương lai.
01. IPPG SẼ MANG VỀ CHO VIỆT NAM KHOẢNG HƠN 40 TRIỆU DU KHÁCH MỖI NĂM SAU COVID-19
Chào ông Hạnh Nguyễn. Truyền thông vẫn thường gọi ông là “Vua hàng hiệu”. Danh xưng này phần nào đã nói lên hoạt động kinh doanh quan trọng của Tập đoàn IPPG. Ông có thể chia sẻ kỹ hơn về hành trình đưa hàng hiệu quốc tế về Việt Nam của IPPG? Và hàng hiệu đóng góp ra sao trong “rổ đầu tư” của IPPG hiện tại và trong tương lai?
Danh xưng "Vua hàng hiệu" mà truyền thông đặt cho tôi là một duyên nợ, bắt nguồn từ việc tôi là người kinh doanh hàng hiệu trong các cửa hàng miễn thuế và chuỗi bán lẻ tại sân bay, và sau này là người đầu tiên mang các thương hiệu đó vào kinh doanh trong nội địa Việt Nam. Tuy nhiên, hành trình đem hàng hiệu về Việt Nam không hào nhoáng như mỹ danh mà mọi người dùng để đặt cho tôi.
Việc đầu tư vào hàng hiệu ban đầu rất tốn kém. Nước ta vào giai đoạn đầu thời kỳ mở cửa không hề có khách mua hàng hiệu cao cấp. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải phải cam kết với thương hiệu về mức đầu tư ở mỗi cửa hàng - có khi lên tới 4 triệu USD và đảm bảo diện tích mặt bằng đạt tiêu chuẩn – thường thì mặt bằng nằm ở vị trí đắt đỏ.
Ngoài ra, phải đổi thiết kế mỗi 3 đến 4 năm, phải mua hàng và trả trước, chỉ được giảm giá một số mặt hàng theo mùa… để giữ uy tín cho thương hiệu. Nhưng cũng nhờ sự khắt khe này mà các thương hiệu xa xỉ luôn có nhiều "tín đồ" trên toàn thế giới săn đón. Tất nhiên, theo thời gian, khi mức sống của người Việt Nam tăng lên, thì việc kinh doanh của chúng tôi cũng phát triển theo hướng thuận lợi hơn trước rất nhiều.
Có thể nói, IPPG là tên tuổi tiên phong trong mảng kinh doanh hàng hiệu tại Việt Nam. Sau hơn 30 năm tham gia thị trường, doanh số hằng năm của phân khúc hàng hiệu đều tăng trưởng hai con số và danh sách khách hàng VIP của Tập đoàn hàng năm đều tăng trưởng 3 con số.
Còn so với các doanh nghiệp cùng ngành, chúng tôi có các thế mạnh như: nắm giữ các mặt bằng tốt tại các thành phố lớn, luôn có kế hoạch đầu tư các trung tâm thương mại đẳng cấp trong 3-5 năm tới, đáp ứng đúng nhu cầu "buôn có bạn bán có phường" của thương hiệu đẳng cấp, kinh nghiệm dày dạng….
Vì vậy, chúng tôi có được nhiều ưu thế khi thương lượng tay đôi với các thương hiệu về chính sách phân phối độc quyền, tỷ lệ chiết khấu, hỗ trợ marketing/đầu tư ... Đặc biệt, chúng tôi còn "gút" được giá bán tương đương tại nước xuất xứ thương hiệu và chọn lựa ngành hàng, sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng Việt Nam.
Lĩnh vực kinh doanh hàng hiệu là thế mạnh và ngành kinh doanh chủ lực, vẫn đóng góp khoảng 30% trong tổng doanh thu của IPPG hiện tại. Và nó có thể tăng mạnh trong tương lai, nếu IPPG triển khai các trung tâm thương mại cao cấp và các khu phi thuế quan, các factory outlet tại các tỉnh, thành phố có tiềm năng du lịch trong cả nước.
Ông vừa nhắc tới kế hoạch khiển khai trung tâm miễn thuế hoặc Factory Outlet ở các thành phố du lịch lớn của Việt Nam. Phải chăng, ông đang muốn biến Việt Nam trở thành thiên đường mua sắm của cả Đông Nam Á, như Thái Lan và Singapore đã làm được?
Thực tế cho thấy, các thành phố du lịch có nhiều Outlet sẽ thu hút được lượng du khách khổng lồ và GDP sẽ tăng mạnh do được cộng hưởng thêm các giá trị khác từ dịch vụ du lịch mang lại.
Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, tại châu Á, thiên đường mua sắm hàng hiệu không còn là Singapore hay Thái Lan mà là người khổng lồ khu thương mại tự do (TMTD) - đảo Hải Nam (Trung Quốc), khi các thương hiệu quốc tế đều đổ xô vào đầu tư tại đây.
Để thúc đẩy tiêu dùng trong nước, thu hút đầu tư từ các thương hiệu thời trang – tiêu dùng hàng đầu thế giới cũng như du khách nước ngoài, Chính phủ Trung Quốc đã biến hòn đảo này thành một trung tâm mua sắm miễn thuế thực thụ.
Trong thời gian dịch bệnh, người dân Trung Quốc vì không đi du lịch nước ngoài đã và đang đến đây mua sắm với định mức miễn thuế lên đến 15.000 USD/người/năm.
Theo Báo cáo của The Moodie Davitt, doanh thu bán hàng miễn thuế của đảo Hải Nam đạt 7,24 tỷ USD trong 1 năm (7/2020 -7/2021) kể từ khi các chính sách ưu đãi mới được áp dụng. Kể từ khi Covid-19 xuất hiện, doanh số bán hàng hiệu của hòn đảo này vẫn tăng 226%/năm, doanh số 6 tháng đầu năm 2021 vừa tăng đột biến.
Cuối tháng 12/2020, chúng tôi đã ký kết hợp tác kinh doanh với Lotte PK Duty Free để phát triển chuỗi cửa hàng miễn thuế dưới phố (down town duty free) tại Đà Nẵng và Trung tâm thương mại Tràng Tiền - Hà Nội để thu hút khách du lịch trên thế giới đến mua sắm tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, không chỉ ở Phú Quốc, mà chúng tôi đang có kế hoạch mở thêm hai Premium Outlet khác nếu thoả thuận được các điều kiện về vị trí và một số chính sách đầu tư ở các tỉnh thành khác. Hiện nay, các Premium Outlet vẫn là yếu tố quan trọng thu hút du khách tại nhiều quốc gia như ở Mỹ, châu u, châu Á...
Ngoài các dự án phi thuế quan, chúng tôi còn phát triển các dự án ‘Phố Hàng Hiệu’ trong các dự án Khu đô thị Thương mại dịch vụ tại các trung tâm tỉnh thành, tạo thành một khu đô thị sầm uất nhộn nhịp vui chơi mua sắm ăn uống liên hoàn trong 45 đề án trọng điểm mà mình đang đề xuất, chứ không chỉ đơn thuần đầu tư bất động sản bán căn hộ.
Trước đây, khách quốc tế đến Việt Nam mang 5.000 USD, có khi lại mang tiền về vì thiếu nơi mua sắm hàng hóa có giá trị cao. Nếu các chuỗi cửa hàng miễn thuế dưới phố, các Premium Outlet, các khu thương mại dịch vụ đô thị… được triển khai như dự kiến, chúng tôi sẽ mang về cho Việt Nam khoảng hơn 40 triệu du khách mỗi năm, sau khi dịch Covid-19 được khống chế.
02. HAI NHÓM KHÁCH HÀNG CHỦ LỰC CỦA IPPG TRONG TƯƠNG LAI LÀ GIỚI THƯỢNG LƯU VÀ CÔNG DÂN THẾ HỆ SÔ
Để biến giấc mơ đó trở thành sự thật không phải là điều dễ dàng và chóng váng. Theo ông, Việt Nam cần có những hỗ trợ gì từ phía chính quyền và các doanh nghiệp như IPPG?
Để Việt Nam trở thành thiên đường mua sắm mới của châu Á nói riêng và thế giới nói chung, chúng ta cần nhanh chóng có các chính sách đột phá. Đầu tiên là nhằm cạnh tranh với các bạn bè trong khu vực ở khía cạnh thu hút đầu tư nước ngoài, sau nữa là để khuyến khích người tiêu dùng nội địa và khách du lịch mua sắm hàng hiệu.
Chúng ta cần đẩy mạnh phát triển và khuyến khích nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình hoàn thuế cho du khách như các nước trên thế giới đang áp dụng. Hiện chúng tôi cũng đang tham gia liên kết với các công ty hoàn thuế uy tín trên thế giới, để đầu tư một chương trình hoàn thuế chuyên nghiệp tại tất cả các điểm bán lẻ và sẽ trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt áp dụng trong quý 2/2022.
Nhìn vào danh mục đầu tư của IPPG, có vẻ như tập đoàn đang đi theo hướng phát triển một hệ sinh thái đa dạng phục vụ tầng lớp trung và thượng lưu Việt Nam. Tuy nhiên, khách hàng trẻ đang là một xu thế tiêu dung mạnh mẽ. IPPG có kế hoạch ra sao đối với các nhóm khách hàng trong tương lai: tiếp tục phục vụ giới thượng lưu hay sẽ hướng tới giới trẻ?
Chúng tôi sẽ phục vụ cả hai.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, công dân thế hệ số đang trở thành một động lực ngày càng lớn trong bức tranh tiêu dùng của Việt Nam, McKinsey dự báo đối tượng này sẽ chiếm 40% tổng tiêu thụ Việt Nam năm 2030 so với 10% năm 2000.
Chúng tôi đã xác định rõ nhóm khách hàng chủ lực sắp tới của IPPG sẽ là công dân thế hệ số! Đương nhiên, chúng tôi phải thay đổi các hình thức từ bán hàng đến quảng cáo, nhằm tiếp cận "thượng đế công nghệ" từ phương thức offline sang online và kỹ thuật số (digital).
Phân khúc hàng xa xỉ và khách hàng thượng lưu cũng theo hướng từ online đến offline, như quảng bá gửi thông tin online theo hướng sang chảnh cao cấp nhưng mời gọi khách đến trải nghiệm dịch vụ đẳng cấp tại cửa hàng.
IPPG cũng đã có kế hoạch đầu tư khép kín hệ sinh thái dịch vụ đều phải xoay quanh hai đối tượng khách hàng này, từ ăn uống (thức ăn nhanh đến nhà hàng cao cấp) đến mua sắm (tại hơn 1.000 chuỗi cửa hàng), đến dịch vụ vui chơi - nghỉ dưỡng và sau này là các dự án đô thị nhà ở, trải dài từ trung cấp đến cao cấp.
03. SỰ RA ĐỜI CỦA HÃNG BAY VẬN TẢI HÀNG HÓA IPP AIR CARGO, TRƯỚC HÊT, CHÍNH LÀ ĐỂ “CƯU LẤY CHÍNH MÌNH”
Mới đây, dư luận đặc biệt quan tâm tới việc “Vua hàng hiệu” muốn mở hãng hàng không vận tải hàng hóa. Rõ ràng những kinh nghiệm dày dặn về hàng không không làm khó ông, nhưng mảng vận tải hàng hóa hiện tại đã có nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước án giữ. Vậy ông đã chuẩn bị gì cho việc cạnh tranh với các ông lớn kỳ cựu trong lĩnh vực này, thưa ông?
Hiện nay, Việt Nam có 6 hãng hàng không nhưng chưa có hãng hàng không chuyên chở hàng hóa riêng biệt. Hiện hơn 80% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường hàng không ở Việt Nam là do các hãng hàng không nước ngoài vận chuyển. Nên đây là cơ hội để doanh nghiệp trong nước như IPP đẩy mạnh vận tải hàng hóa bằng đường hàng không.
Trong bối cảnh dịch bệnh còn đang diễn biến phức tạp, nhiều hãng bay vận chuyển hành khách điêu đứng và buộc phải chuyển sang vận chuyển hàng hóa để vớt vát doanh thu.
Tuy nhiên, máy bay chở hành khách chỉ có hầm ở khoang bụng dưới máy bay, thường dùng để chở hành lý của hành khách chứ không phải để chở hàng hóa. Vậy nên, chỗ có đủ điều kiện để chứa hàng hóa để xuất khẩu, chuyển phát nhanh trong máy bay chở khách rất hạn chế. Và đó cũng chỉ là biện pháp chữa cháy tạm thời của họ!
Trên thực tế, nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam đang ngày càng tăng cao do sự phát triển như vũ bão của các sàn thương mại điện tử, trong khi, thị phần vận chuyển hàng hóa xuyên lúc địa đang do các công ty nước ngoài chiếm 80%, với nhiều điều kiện hạn chế về Chính sách. Một phần của hiện trạng này là do Việt Nam hiện chưa có hãng bay nội địa chuyên biệt chở hàng hóa nào.
Thêm nữa, lưu lượng xuất khẩu hàng hóa bằng đường hàng không cũng bị hạn chế vì Hiệp định hàng không đã ký kết trước đó, kiểu nếu tôi không bay (chuyến chuyên biệt hàng hoá) thì anh cũng không thể tự tăng chuyến lên được. Vô hình chung, chúng ta bị hạn chế lưu lượng xuất nhập khẩu.
IPPG hiện đang nhập khẩu hơn 108 thương hiệu hàng cao cấp, mỗi năm chúng tôi tốn hàng triệu USD để nhập khẩu hàng hóa. Chi phí này đang ngày càng tăng cao trong Covid-19, trong thời gian gần đây có khi còn tăng gấp 3 lần.
Có thể thấy, mức cước vận tải hàng hóa qua đường hàng không và cước vận tải biển vẫn đang có chiều hướng ngày càng tăng quá cao. Vì thế, sự ra đời của hãng bay vận tải hàng hóa IPP Air Cargo, trước hết chính là để "cứu lấy chính mình".
Bản thân tôi cũng là người có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không. Tôi có đủ thông tin và các chiến lược mang tính quyết định để phát triển IPP Air Cargo và không ngại cạnh tranh với các ông lớn kỳ cựu trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, thực tế là các công ty vận chuyển nước ngoài rất mong chờ và hỗ trợ việc ra đời của IPP Air Cargo. Đơn giản, nhờ chúng tôi mà có thể họ được tăng thị phần số chuyến bay vào Việt Nam theo hiệp định hàng không như tôi đã nói ở trên.
Chúng tôi còn là đối tác với nhau, vì IPP Aircargo sẽ nối chuyến bay từ các thành phố lớn đi các tỉnh cho các hãng nước ngoài, do hiện nay, họ chỉ được cấp phép bay vận chuyển hàng hoá từ nước ngoài vào TP.HCM và TP Hà Nội.
Nhiều lợi ích và kỳ vọng là thế, vậy tiến độ của IPP Air Cargo hiện đã thực hiện tới đâu và các cột mốc tiến độ quan trọng dự kiến sắp tới là gì, thưa ông?
Hiện tại, chúng tôi đã hoàn tất các thủ tục cần thiết để vào đầu quý 1/2022, Cục hàng không Việt Nam sẽ xem xét cấp phép bay. Vừa qua, với sự hỗ trợ của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và Cục hàng không, chúng tôi đã ký xác nhận chào mua 10 máy bay Boeing 777F và tiết kiệm được hàng trăm triệu USD do đặt hàng vào đúng thời điểm phù hợp, khi dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành hàng không.
Dự kiến, chuyến bay đầu tiên của IPP Air Cargo sau khi được cấp phép đủ điều kiện bay sẽ đáp xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng vào ngày 06/06/2022, cùng thời điểm tổ chức Hội thảo Mở rộng các tuyến hàng không châu Á - Routes Asian, do IPPG giành quyền đăng cai và tài trợ.
Nếu được cấp phép như dự định, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 tàu bay vận tải hàng hóa loại nhỏ, sau đó tăng lên 7 chiếc vào năm thứ 2 và 10 chiếc vào năm thứ 3.
Sau năm 2024, chúng tôi sẽ tiếp tục đưa vào khai thác loài máy bay lớn B777F. Hãng đã lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa trong năm đầu tiên, đạt doanh thu 71 triệu USD. IPP Air Cargo dự kiến bắt đầu có lãi từ năm thứ 4 kể từ khi cất cánh chuyến bay đầu tiên.
Chiến lược của Công ty Cổ phần IPP Air Cargo là thành lập hãng hàng không chuyên biệt vận chuyển hàng hoá với mục tiêu góp phần bình ổn giá cước, ổn định chi phí hàng hóa, nguyên vật liệu… Theo đó, giảm thiểu ảnh hưởng xấu đến xuất nhập khẩu, nguy cơ lạm phát và sự ổn định phát triển của nền kinh tế.
Đồng thời IPP Air Cargo còn góp phần tăng giá trị cạnh tranh thị phần với các hãng vận chuyển quốc tế trong lĩnh vực vận chuyển hàng hoá của Việt Nam trên các đường bay nội địa Việt Nam và quốc tế, góp phần vào sự phát triển chung của ngành hàng không Việt Nam.
04. TẤT CẢ CON CÁI ĐỀU NẮM GIỮ CÁC VỊ TRÍ QUAN TRỌNG TRONG CÔNG VIỆC KINH DOANH CỦA GIA ĐÌNH
Là một doanh nhân Việt Kiều trở về quê hương và gầy dựng nên IPPG ngày hôm nay, tôi được biết việc kinh doanh trong công ty có sự góp mặt của nhiều thành viên trong gia đình ông. Rất nhiều thành viên trong gia đình ông được công chúng mến mộ và quan tâm. Ông có thể chia sẻ thêm về vai trò của từng người trong bức tranh chung của IPPG không?
Năm 2002, tôi sáng lập Công ty Liên Thái Bình Dương (IPPG), bắt đầu kinh doanh hàng hiệu, sau đó mở rộng sang các lĩnh vực khác như F&B, dịch vụ hàng không, trung tâm thương mại...
Đồng hành và sát cánh cùng tôi là Bà Lê Hồng Thuỷ Tiên với vai trò Tổng Giám đốc là người trực tiếp chỉ đạo, điều hành toàn bộ các hoạt động kinh doanh của IPPG. Với truyền thống kinh doanh của gia đình, chúng tôi đã định hướng nghề nghiệp cho các con theo sở trường và năng khiếu, sở thích của từng cháu.
Đồng thời, kết hợp với giao việc kinh doanh cho các cháu từ khi còn ngồi ghế nhà trường; nên khi tốt nghiệp, các con tôi đều có thể bắt tay ngay và nắm giữ các vị trí quan trọng trong công việc kinh doanh của gia đình.
Hiện Henry Nguyễn giữ chức Tổng giám đốc IPPG tại Philippines. Louis Nguyễn nắm ghế Phó Tổng Giám đốc Phát triển Kinh doanh Tập đoàn kiêm Quản lý việc kinh doanh thời trang trung cấp và mảng F&B. Jennifer Nguyễn là Quản lý cấp cao, hỗ trợ Louis phụ trách kinh doanh thời trang trung cấp.
Còn Phillip Nguyễn đang là Phó Tổng giám đốc phát triển dự án, phụ trách mảng phát triển Kinh doanh Dịch vụ Phi Hàng không bao gồm: cửa hàng miễn thuế, cửa hàng bán lẻ và quảng cáo thương mại tại các sân bay.
Phần Stephanie Nguyễn, cháu đang là Giám đốc CUBE - công ty xây dựng trang trí nội thất thuộc IPPG. Con gái Tiên Nguyễn (Thảo Tiên) là Phó Tổng giám đốc phát triển dự án thời trang cao cấp của IPPG, quản lý điều hành trực tiếp việc kinh doanh và phát triển các thương hiệu cao cấp DAFC.
Cuối cùng là Hiếu Nguyễn, con trai út vừa tốt nghiệp Quản trị kinh doanh tại London, đang giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc phụ trách IPPTech, eDigi, các lĩnh vực công nghệ và AI, logistics, Air Cargo và các dự án Thành phố thông minh của Tập đoàn.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Theo Cafebiz
Tin liên quan
13 - 12 - 2024 | Hoạt động cộng đồng
IPPG phối hợp WeLead cùng nâng cao sức khoẻ tinh thần của các nữ doanh nhân09 - 11 - 2024 | Tin đầu tư
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhận Giải thưởng Cống hiến trong lĩnh vực thương mại hàng không Trinity 202408 - 11 - 2024 | Tin Tập Đoàn
CEO IPPG phát biểu tại Diễn đàn Doanh nhân Nữ Việt Nam 2024